14/02/2020

Trước những khó khăn, thách thức, ngành Hàng hải Việt Nam đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục để triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2019 và đã đạt được những kết quả hết sức tích cực trên tất cả các mặt công tác.

Hình ảnh minh họa

Tín hiệu tích cực từ vận tải biển 

Nhìn nhận về tình hình vận tải biển thế giới cũng như tại Việt Nam thời gian qua, ông Trịnh Thế Cường - Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết, thị trường vận tải biển trên thế giới liên tục đi xuống với tốc độ tăng trưởng 2,7% và chưa có dấu hiệu phục hồi. Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có tác động làm hàng hóa xuất nhập khẩu trên thế giới giảm, thị trường dư thừa một số lượng tàu lớn không có hàng để vận tải, làm cho đội tàu trong nước càng khó khăn khi phải cạnh tranh giành nguồn hàng. Mặt khác, giá xăng dầu tăng giảm bất thường cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp vận tải.

Tuy nhiên trước những thách thức đó, đội tàu Việt Nam không ngừng nỗ lực và có bước chuyển mình ấn tượng. Cụ thể, năm 2019 tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện ước đạt 154,6 triệu tấn, tăng 8% so với năm 2018. Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời... Hàng hóa vận chuyển nội địa chủ yếu là các mặt hàng gia dụng, lương thực, than, vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc, container, xăng dầu, hàng hóa tổng hợp... Đối với vận tải biển quốc tế, đội tàu container Việt Nam hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Ávà Đông Bắc Á, một số tàu hàng rời đã vận tải hàng hóa trên các tuyến châu Âu.

Theo số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD), đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Indonesia, Malaysia) và thứ 29 trên thế giới. Tính đến nay, đội tàu biển Việt Nam có 1.507 tàu (trong đó tàu vận tải hàng hóa là 1.047 tàu), với tổng dung tích 4,65 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 7,55 triệu DWT. Độ tuổi bình quân của đội tàu Việt Nam là 16,3 tuổi, trẻ hơn 4,5 tuổi so với thế giới (theo số liệu của UNCTAD, tuổi tàu bình quân của thế giới là 20,8 tuổi).

Đồng thời, cơ cấu đội tàu biển Việt Nam trong thời gian qua đã có bước cải thiện đáng kể, phát triển theo hướng chuyên dụng hóa, đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa trong nước. Theo đó, đội tàu container Việt Nam tăng trưởng khá tốt, số lượng tàu tăng từ19 tàu trong năm 2013 lên 39 tàu trong năm 2019. "Tuy vậy, đội tàu cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu vận tải nội địa và vận tải hàng feeder tại một số nước trong khu vực, chưa tăng được thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu. Đội tàu dầu,khí hóa lỏng tăng 5,6% so với năm 2018", ông Trịnh Thế Cường nhìn nhận.

Cảng biển vươn tới những tầm cao

Theo ông Nguyễn Đình Việt - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2019 sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 654,6 triệu tấn (không bao gồm sản lượng hàng hóa quá cảnh không bốc dỡ), tăng 14% so với năm 2018. Khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2019 ước đạt 19,35 triệu TEUs, tăng 6% so với năm 2018. Hành khách thông qua cảng đạt 7,5 triệu hành khách, tăng 22% so với năm 2018.

"Lượng hàng hóa, hành khách thông qua cảng biển tăng trưởng ở mức cao đều qua các năm đã góp phần giảm tải cho đường bộ, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải, đồng thời góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương", Phó Cục trưởng Nguyễn Đình Việt đánh giá.

Để có kết quả này, thời gian qua hệ thống cảng biển Việt Nam đã được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng như: cầu bến, phao neo, trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa, đồng thời phát triển cơ bản hoàn chỉnh, đầy đủ chức năng, quy mô và được phân bố trải rộng theo vùng miền, tận dụng tối đa được điều kiện tự nhiên, đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa vận tải bằng đường biển, phục vụ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và cả nước, tạo động lực thu hút, thúc đẩy các ngành kinh tế, công nghiệp liên quan cùng phát triển. 

Hầu hết các cảng biển hiện do các doanh nghiệp nhà nước, các thành phần kinh tế khác sở hữu và trực tiếp tổ chức khai thác; có 4 bến cảng được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước và giao Cục Hàng hải Việt Nam làm đại diện cơ quan nhà nước ký hợp đồng cho thuê khai thác gồm: bến cảng Cái Lân (cầu 5,6,7), bến cảng container ODA Cái Mép, bến cảng tổng hợp quốc tế Thị Vải và bến cảng An Thới - Kiên Giang./.

Nguồn: Tạp chí Giao thông vận tải

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :21098242
    • Online: 218