Vungtau MRCC - 15 năm xây dựng và phát triển Những năm gần đây, thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, ngoài ra hoạt động hàng hải khu vực phía Nam từ tỉnh Bình Thuận đến tỉnh Kiên Giang diễn ra rất sôi động dẫn đến nguy cơ gia tăng các vụ tai nạn, sự cố trên biển. Trong 15 năm qua, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III (Vungtau MRCC), từng bước lớn mạnh, trưởng thành và đang ngày càng trở thành địa chỉ tin cậy cho những tàu thuyền và con người hoạt động trên biển. Những chặng đường đáng nhớ Giai đoạn tiền đề (1996 - 2004) Vungtau MRCC được thành lập ngày 20/11/1996 có chức năng, nhiệm vụ chính là chỉ đạo, điều hành các lực lượng, phương tiện thuộc Ngành Hàng hải Việt Nam (Ngành), đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong và ngoài Ngành để tiến hành các hoạt động tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên vùng biển trách nhiệm được giao. Khu vực trách nhiệm của Vungtau MRCC bao gồm toàn bộ vùng biển khu vực phía Nam từ tỉnh Bình Thuận đến tỉnh Kiên Giang, có phạm vi cụ thể như sau: Phía Bắc giới hạn bởi vĩ tuyến 11.10N; phía Nam giới hạn bởi biên giới trên biển giữa Việt Nam và Campuchia; phía Đông trùng với giới hạn ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và vùng nước các đảo ngoài khơi của Việt Nam. Xác định được nhiệm vụ đó, Vungtau MRCC đã phối hợp với các cơ quan đơn vị trong và ngoài Ngành để thực hiện nghĩa vụ cứu trợ nhân đạo các nạn nhân bị nạn trên vùng biển trách nhiệm; thực hiện công tác thường trực PCLB của ngành Hàng hải tại khu vực; hệ thống trực ban TKCN được thiết lập đảm bảo nhiệm vụ thường trực 24/24h; trực chỉ huy vụ việc phối hợp cứu nạn do Lãnh đạo của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu kiêm nhiệm. Tháng 12/1997, Vungtau MRCC đã thực hiện phân vùng trách nhiệm phối hợp cứu nạn: Tiểu vùng 1: Vùng nước trong đường cơ sở từ vĩ độ 11˚50’00N đến 11˚20’00N do Cảng vụ Nha Trang đảm nhiệm; Tiểu vùng 2: Vùng nước trong đường cơ sở từ vĩ độ 11˚20’00N đến 09˚30’00N do Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu đảm nhiệm. Tiểu vùng 3: Vùng nước trong đường cơ sở từ vĩ độ 09˚30’00N đến Mũi Cà Mau do Cảng vụ hàng hải Cà Mau đảm nhiệm. Tiểu vùng 4: Vùng nước trong đường cơ sở từ mũi Cà Mau đến ranh giới trên biển giữa Việt Nam và Campuchia do Cảng vụ hàng hải Kiên Giang đảm nhiệm. Trong khu vực III, thời điểm này có 10 Cảng vụ hàng hải bao gồm: Nha Trang, Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Nai, Sài Gòn, Đồng Tháp, Cần Thơ, Mỹ Tho, Mỹ Thới. Trách nhiệm phối hợp TKCN hàng hải trong vùng nước trách nhiệm của các Cảng vụ hàng hải do các Cảng vụ hàng hải đảm nhiệm. Giai đoạn củng cố (2004 - 2006) Về tổ chức, năm 2004-2005 do Vũng Tàu MRCC được tiếp nhận 02 tàu chuyên dụng TKCN (SAR 272 và SAR 413) nên tổ chức bộ máy được thay đổi. Cán bộ viên chức đơn vị trong thời gian này bao gồm: Bộ phận quản lý (Giám đốc, Phó GĐ, Kế toán trưởng) do Cảng vụ Vũng Tàu kiêm nhiệm; Cán bộ viên chức khối văn phòng: chuyên trách; và viên chức khối thuyền viên (Thuyền viên hưởng lương ngân sách) Đầu năm 2006, Vungtau MRCC chính thức được tách khỏi Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu ra hoạt động độc lập. Tổng số cán bộ, viên chức, thuyền viên trong đơn vị vào đầu năm 2006 đã phát triển lên tới gần 50 người. Vùng trách nhiệm của Vungtau MRCC trong giai đoạn này được xác định: Phía Bắc giới hạn bởi vĩ tuyến 11.10’N; phía Nam giới hạn bởi biên giới trên biển giữa Việt Nam và Campuchia; phía Đông trùng với giới hạn ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và vùng nước các đảo ngoài khơi của Việt Nam. Đây là vùng biển thuộc các tỉnh, thành phố: Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, T.P Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang. Về cơ chế hoạt động, công tác phối hợp cứu nạn được củng cố và phát huy tốt vai trò thường trực, chỉ đạo và phối hợp. Để thực hiện chức năng nhiệm vụ được Nhà nước giao, Vungtau MRCC căn cứ đặc điểm tình hình khu vực, hàng năm xây dựng kế hoạch hoạt động và phương án phối hợp TKCN, đáp ứng kịp thời, hiệu quả các yêu cầu TKCN phát sinh. Tháng 8/2004, Vungtau MRCC tiếp nhận tàu chuyên dụng TKCN SAR-272. Đầu năm 2005, tiếp nhận thêm tàu SAR-413. Đây là các con tàu chuyên dụng TKCN được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu với các máy móc, trang thiết bị vào loại tiên tiến hiện đại trên thế giới. Từ việc tiếp nhận tàu SAR-413 và tàu SAR-272 đã đặt ra cho Vungtau MRCC những yêu cầu nhiệm vụ mới, ngoài nhiệm vụ thường trực phối hợp xử lý thông tin TKCN trên biển, Trung tâm còn có nhiệm vụ quản lý, điều hành đội tàu chuyên dụng TKCN. Chiếc áo quản lý đã trở lên chật hẹp, không còn phù hợp với một cơ thể đang phát triển đột biến. Quản lý về tài chính, trong đó triển khai thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên gấp khoảng 10 lần so với trước khi tiếp nhận đội tàu SARS. Rất nhiều khó khăn đặt ra, phát sinh từ công tác quản lý kỹ thuật đội tàu, công tác xác định và xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với chuyên ngành. Việc tiếp nhận, sử dụng và quản lý thuyền viên cho đội tàu TKCN trong điều kiện khan hiếm thuyền viên (đặc biệt là đội ngũ sỹ quan quản lý boong, máy) cũng còn nhiều bất cập. Nhưng Vungtau MRCC đã từng bước, từng bước đẩy lùi khó khăn, tháo gỡ những tồn tại, tổ chức bộ máy được củng cố; cơ chế, chính sách, đời sống cho cán bộ thuyền viên thuộc Vungtau MRCC nói riêng và Vietnam MRCC nói chung dần dần được cải thiện. Giai đoạn phát triển (2006 - 2011) Về tổ chức, như đã đề cập ở trên, trong giai đoạn này Vũng Tàu MRCC đã tách khỏi Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu ra hoạt động độc lập, được giao bổ sung nhiệm vụ quản lý, điều hành đội tàu chuyên dụng TKCN (đội tàu SARS). Như vậy, ngoài chức năng phối hợp là chính, các Trung tâm còn đóng vai trò là một đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cứu nạn trên vùng biển trách nhiệm. Tổng số cán bộ viên chức, thuyền viên của Vungtau MRCC tăng dần và hiện nay là 62 người. Đội tàu SARS dưới sự quản lý, điều hành trực tiếp của các Trung tâm khu vực đóng vai trò là lực lượng đầu tàu, là “chỉ huy hiện trường” của hầu hết các vụ việc TKCN trên biển khi được huy động tham gia. Bên cạnh nhiệm vụ thường trực đáp ứng yêu cầu cứu nạn nhân đạo, đội tàu SARS còn được huấn luyện tham gia ứng phó sự cố dầu tràn; phòng ngừa các thảm họa trên biển; cứu hộ trên biển và các công việc đột xuất khác do cấp có thẩm quyền huy động. Ngoài ra còn được trang bị các tàu, ca nô chuyên dụng thực hiện nhiệm vụ cứu nạn trên biển; các ô tô chuyên dụng; các trang thiết bị TTLL chuyên ngành; cơ sở hậu cần được bố trí liên hoàn giữa khu văn phòng quản lý hành chính; khu kho bãi; khu huấn luyện và cầu tàu cho các tàu SARS thường trực TKCN. Về cơ chế quản lý, điều hành, các Trung tâm PHTKCNHH chịu sự chỉ đạo của cấp chủ quản là Cục HHVN về mặt tổ chức; đồng thời chịu sự chỉ đạo của Ủy ban quốc gia TKCN về nghiệp vụ chuyên ngành. Trong nội bộ hệ thống: Trung tâm PHTKCNHH khu vực hoạt động theo cơ chế chỉ huy trực tuyến. Với các Cảng vụ Hàng hải, cơ chế phối hợp đã được xác lập qua Quy chế phối hợp TKCN trên biển giữa Trung tâm PHTKCNHH Việt Nam với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục HHVN do Cục HHVN ban hành ngày 04/08/2008. Với các cơ quan, đơn vị ngoài ngành Hàng hải, cơ chế phối hợp chủ yếu là Quy chế 103/2007 QĐ-TTg, ngày 12/7/2007 của thủ tướng chính phủ. Với lực lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển cơ chế phối hợp được xác lập trên cơ sở Công ước quốc tế (Công ước SAR-79, SOLAS 79/83, Luật biển 82); Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005. Trong vùng nước trách nhiệm khu vực III, Vungtau MRCC và các Cảng vụ Hàng hải thỏa thuận ký Quy ước phối hợp hàng năm, đồng thời cùng nhau xây dựng các kế hoạch, phương án phối hợp cứu nạn trên vùng biển trách nhiệm chung nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả công tác. Một số kết quả đạt được Trong 15 năm hoạt động, Vungtau MRCC đã xây dựng được một hệ thống TKCN thống nhất từ Văn phòng Trung tâm tới các Tiểu vùng, hình thành một mạng lưới TKCN hàng hải phủ khắp toàn bộ vùng biển khu vực bao gồm: các lực lượng chuyên nghiệp thuộc Trung tâm khu vực; các đơn vị phối hợp tại Tiểu vùng; các lực lượng, đơn vị phối hợp thuộc ngành Hàng hải; các lực lượng phối hợp thuộc các bộ, ngành và địa phương có liên quan. Ngay từ những ngày đầu thành lập, đơn vị luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; trình độ quản lý; trình độ chính trị; trình độ ngoại ngữ cho cán bộ viên chức, thuyền viên, đồng thời động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân tự trau dồi, học hỏi để nâng cao trình độ trong nước cũng như ngoài nước. Trong những năm gần đây (2005 - 2010), Vungtau MRCC đã xử lý tổng số thông tin báo nạn 792 vụ, trung bình 132 vụ/năm; trong đó tổng số tàu được cứu trợ là 158 tàu,trung bình 26 tàu/năm. Tổng số người được Vungtau MRCC phối hợp các lực lượng tại vùng biển trách nhiệm khu vực III cứu trợ trong thời gian từ 2005 – 2010 là 1.711 người, trung bình 285 người/năm. Số liệu thống kê cũng cho thấy, tổng số thông tin xử lý hàng năm tăng không nhiều nhưng số thông tin báo nạn giả giảm dần, thông tin báo nạn thật tăng dần (Năm 2009 thông tin giả chiếm 53%; năm 2010 thông tin giả chiếm 22,5%). Tai nạn liên quan tàu cá chiếm khoảng 80% tổng số vụ việc hàng năm. Các tàu SAR được điều động đi trực tiếp cứu người trên biển tăng dần hàng năm (Năm 2009 chiếm 11%; năm 2010 chiếm 17,4%). Số ngư dân được Vungtau MRCC phối hợp các lực lượng cứu chiếm tỷ lệ 80% hàng năm. Có được thành quả đó là do Vungtau MRCC đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền, cụ thể: Quan tâm về hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế chính sách; quan tâm thiết lập một hệ thống tổ chức theo tinh thần Công ước SAR-79 ngay từ khi chưa tham gia Công ước SAR-79; quan tâm trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, hậu cần phù hợp; quan tâm trong định hướng đào tạo, huấn luyện, phát triển nguồn nhân lực. Kinh nghiệm rút ra từ hoạt động thực tiễn Trên cơ sở thực tế hoạt động từ khi thành lập đến nay, đặc biệt là giai đoạn 2004 đến nay, từ những thuận lợi, khó khăn, những tồn tại khiếm khuyết, những hạn chế tiềm ẩn cản trở đến hiệu quả của hoạt động TKCN trên vùng biển khu vực III, Vungtau MRCC đúc rút được một số kinh nghiệm: - Trước hết là thiết lập, xác định một mô hình tổ chức hệ thống TKCN trên biển phù hợp. Việc này cần sự đóng góp ý kiến từ thực tiễn hoạt động của cơ sở và sự quan tâm điều chỉnh kịp thời của cấp có thẩm quyền. - Để hoàn thiện hành lang pháp lý, được cấp có thẩm quyền ban hành áp dụng cơ chế chính sách phù hợp, tạo sự thu hút nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ hệ thống, cấp cơ sở cần có sự vận động, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, liên tục đề xuất phương án, kế hoạch hoạt động thí điểm để tạo cơ sở chấp nhận điều chỉnh của các cấp có thẩm quyền. - Luôn quan tâm đảm bảo quyền lợi về vật chất, tinh thần cho người lao động trong hệ thống; quan tâm giữ gìn mối đoàn kết nội bộ. - Thực sự cầu thị trong công tác phối hợp đặc biệt là trong giai đoạn quá độ. Thực tế cho thấy để thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ thì nhiệm vụ phối hợp luôn là nhiệm vụ chính, chủ yếu, hàng đầu của tất cả các lực lượng làm công tác TKCN trên biển, đặc biệt là lực lượng chuyên trách. - Nhìn thẳng vào các tồn tại, yếu kém, tìm các biện pháp tốt để khắc phục. - Đặt ra mục tiêu, nỗ lực tìm mọi biện pháp để thực hiện mục tiêu chính, chủ yếu của công tác phối hợp TKCN trên biển là: Nhanh chóng - Kịp thời - An toàn - Hiệu quả.