Ngày 08/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã chủ trì Hội nghị đối thoại doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển năm 2014. Đây là lần thứ 2 Hội nghị được tổ chức trực tuyến, tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Tham gia đoàn chủ tịch điều hành Hội nghị còn có Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc, Cục trưởng Cục HHVN Nguyễn Nhật, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Vũ Hải, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng và đại diện lãnh đạo cơ quan chức năng thuộc các Bộ: Tài chính, Công thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ GTVT, Ngân hàng Nhà nước, các Hiệp hội ngành nghề và 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kinh doanh dịch vụ vận tải biển, khai thác cảng biển, sản xuất công nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết: Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) là một trong những nội dung hết sức quan trọng của Nghị quyết 13 Đại hội Đảng lần thứ 11 đã đề ra nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Để triển khai chủ trương này, Bộ GTVT đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành GTVT trong đó có tái cơ cấu đầu tư công; đã xây dựng Đề án Huy động các nguồn lực đột phá để đầu tư phát triển KCHTGT đường bộ, hàng hải, hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa. Trong năm 2013 và các tháng đầu năm 2014, tổng số nguồn lực mà Bộ GTVT thu được là 107.500 tỷ đồng thu hút từ nguồn lực ngoài xã hội, không phải ngân sách nhà nước, không phải nguồn vốn ODA để đầu tư cho KCHTGT trong đó có kết cấu hạ tầng hàng hải. Bộ GTVT đã tiến hành tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu vận tải - đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cũng như hội nhập kinh tế quốc tế; đã tái cơ cấu các ngành hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa với mục đích giảm tải cho giao thông đường bộ để nâng cao hiệu quả vận tải, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đánh giá lĩnh vực hàng hải trong những năm qua bằng các nguồn lực ngân sách nhà nước, vốn ODA, nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, đến nay đã xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải khá tốt với gần 50km cầu cảng, trong đó có bến cảng hiện đại với tầm vóc quốc tế như khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải và hàng chục khu chuyển tải, cùng với đội tàu khá hùng hậu khoảng 1.700 tàu với tổng trọng tải 6,9 triệu DWT. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải và thu hút đội tàu chưa đạt được kỳ vọng đề ra… Trong 8 tháng đầu năm 2014, lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam đạt khoảng 250 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó hàng container đạt khoảng 6,7 triệu TEU, đạt 21% so với cùng kỳ năm 2013. Lĩnh vực vận tải biển bắt đầu khởi sắc, đạt 63 triệu tấn tổng lượng hàng hóa vận chuyển của đội tàu Việt Nam, tăng 2% so với năm 2013. Hội nghị đối thoại doanh nghiệp vận tải biển năm 2014 nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước tiếp cận với tình hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển trên cả nước, đồng thời nắm bắt được các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; từ đó đưa ra các giải pháp để tháo gỡ những bất cập, hỗ trợ các doanh nghiệp có thể sản xuất, kinh doanh thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, khai thác hiệu quả vận tải biển và cảng biển. Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các ý kiến kiến nghị của các doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển, các Hiệp hội Cảng biển, Hiệp hội Chủ tàu, Hiệp hội Chủ hàng tham gia đối thoại tại các điểm cầu. Phần lớn các kiến nghị tập trung vào một số vấn đề như chính sách vận tải biển, cảng biển, dịch vụ; thuế, phí, chính sách về tài chính; chi phí vận tải biển; phí và phụ phí của các hãng tàu nước ngoài; kiểm soát tải trọng tải cảng biển; hàng hóa tồn đọng tại cảng biển; giá dịch vụ xếp dỡ tại cảng biển… Đại diện Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cùng Đoàn Chủ tịch Hội nghị đã giải đáp các câu hỏi, kiến nghị của các doanh nghiệp tham gia Hội nghị. Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công khẳng định Bộ GTVT sẽ giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động, hồi phục, phát triển lĩnh vực kinh tế hàng hải mà nhà nước và nhân dân rất kỳ vọng; đó là một trong những kỳ vọng để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, phấn đấu đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Thứ trưởng ghi nhận tất cả ý kiến của doanh nghiệp tại Hội nghị; đồng thời yêu cầu các cơ quan liên quan thuộc Bộ GTVT nhanh chóng xử lý các nội dung cụ thể; trả lời tất cả các câu hỏi trong tháng 10; khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện một số văn bản quy phạm phát luật: về thông báo hàng hải, định mức kỹ thuật đảm bảo an toàn hàng hải, hoa tiêu; bảo vệ kết cấu hạ tầng hàng hải, lao động hàng hải; rà lại các quy định về tàu biển…đảm bảo phù hợp với thực tế và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đề nghị các doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển cần chủ động, sáng tạo, đặc biệt đối với lĩnh vực vận tải cần phải có giải pháp quyết liệt, nâng cao năng lực quản trị, nâng cao bộ máy marketing; đồng thời tham gia thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ, của các Bộ về kiểm soát tải trọng xe. Đối với các kiến nghị nằm ngoài thẩm quyền của Bộ GTVT, Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan có những chính sách, giải pháp phù hợp để tạo môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp. Bộ GTVT rất mong tiếp tục nhận được những kiến nghị, đóng góp quý báu của các Hiệp hội, Doanh nghiệp để có thể thực hiện công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả và thực tế.