Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển
1. Trình tự thực hiện
a) Nộp hồ sơ TTHC
- Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển (hoặc tàu công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi và giàn di động) đến cơ quan đăng ký tàu biển nơi tàu biển đã đăng ký.
- Cơ quan đăng ký tàu biển gồm:
+ Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện chức năng của cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam.
+ Các Chi cục hàng hải, Cảng vụ hàng hải thực hiện nhiệm vụ đăng ký tàu biển theo phân cấp của Cục Hàng hải Việt Nam.
b) Giải quyết TTHC
Cơ quan đăng ký tàu biển tiếp nhận hồ sơ, thực hiện theo quy trình sau:
- Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn ngay cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ; nếu hồ sơ hợp lệ thì vào sổ theo dõi, cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả đúng thời gian quy định;
- Trường hợp nhận hồ sơ qua đường bưu chính, nếu hồ sơ không hợp lệ, chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký tàu biển hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định;
- Chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký tàu biển cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu biển và trả trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính; đồng thời, gửi văn bản thông báo việc cấp lại cho bên nhận thế chấp trong trường hợp tàu đang thế chấp; trường hợp không cấp giấy chứng nhận phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
- Trường hợp cấp lại: giấy chứng nhận đăng ký tàu biển bị mất, bị rách nát, hư hỏng.
2. Cách thực thực hiện
Tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác.
3. Thành phần, số lượng hồ sơ
a) Thành phần hồ sơ
- Tờ khai cấp lại giấy chứng nhận đăng ký tàu biển theo mẫu;
- Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển đối với trường hợp bị rách nát, hư hỏng; trường hợp tàu đang hoạt động trên biển hoặc đang ở nước ngoài thì có thể sử dụng bản sao giấy chứng nhận đăng ký nhưng chủ tàu phải cam kết và nộp bản gốc trong vòng 30 ngày kể từ ngày giấy chứng nhận đăng ký mới được cấp.
b) Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ.
4. Thời hạn giải quyết
Chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
5. Đối tượng thực hiện
Tổ chức, cá nhân.
6. Cơ quan thực hiện TTHC:
a) Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Cơ quan đăng ký tàu biển;
b) Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được ủy quyền hoặc phân cấp thực hiện: Không có;
c) Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Cơ quan đăng ký tàu biển;
d) Cơ quan phối hợp: Không có.
7. Kết quả của việc thực hiện TTHC
- Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển.
8. Phí, lệ phí:
- Lệ phí: 10% của mức thu đăng ký không thời hạn.
- Mức thu đăng ký không thời hạn:
+ Đối với tàu có tổng dung tích đăng ký dưới 500 GT là 3.000 đồng/GT-lần (mức thu tối thiểu không dưới 300.000 đồng);
+ Đối với tàu có dung tích đăng ký từ 500 đến dưới 1.600 GT là 2.500 đồng/GT-lần;
+ Đối với tàu có dung tích đăng ký từ 1.600 đến dưới 3.000 GT là 2.000 đồng/GT-lần;
+ Đối với tàu có dung tích đăng ký từ 3.000 GT trở lên là 1.500 đồng/GT- lần.
- Chủ tàu nộp lệ phí cấp lại giấy chứng nhận đăng ký tàu biển trực tiếp hoặc chuyển vào tài khoản của Cơ quan đăng ký tàu biển trước khi nhận kết quả; chịu toàn bộ chi phí gửi hồ sơ, văn bản và các chi phí liên quan đến chuyển khoản; đồng thời thông báo việc cấp lại cho bên nhận thế chấp trong trường hợp tàu đang thế chấp.
9. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính:
- Tờ khai cấp lại giấy chứng nhận đăng ký tàu biển;
- Giấy chứng nhận đăng ký.
10. Yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC: Không có.
11. Căn cứ pháp lý
- Nghị định 171/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển;
- Nghị định số 86/2020/NĐ-CP ngày 23/7/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của của Nghị định số 171/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển;
- Thông tư 189/2016/TT-BTC ngày 08/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong hoạt động chuyên ngành hàng hải.