22/03/2021

Ngày 20/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã có chuyến kiểm tra, thị sát tại các cảng Gemalink, Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) và Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT). Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang cùng tham gia đoàn công tác.

Đây là 3 cảng lớn nằm trong cụm cảng Cái Mép Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, với mức tăng trên 22%/năm, cao thứ sáu trên thế giới và cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Tại buổi kiểm tra, Thủ tướng bày tỏ vui mừng với những kết quả mà các cảng biển đã và đang đạt được trong thời gian qua. Chẳng hạn như, cảng Gemalink công suất thiết kế 1,5 triệu TEU trong giai đoạn 1, ngày 19/1 cảng đã đón chuyến tàu thương mại đầu tiên. Cuối tháng 4 sẽ khai thác chính thức, dự kiến đón khoảng 3 chuyến/tuần tàu vào làm hàng và nửa cuối năm 2021 sẽ đón 5 - 6 chuyến/tuần. Cuối năm nay, cảng sẽ thi công giai đoạn 2 nâng công suất lên 2,5 triệu TEU/năm. Dự kiến 2021 sẽ khai thác 80% công suất và 2022 sẽ khai thác 100% công suất thiết kế.

Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cảng Gemalink

Theo Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được xác định là cửa ngõ vươn ra biển lớn của khu vực Đông Nam Bộ (là khu vực đầu tàu kinh tế của Việt Nam, đóng góp đến 33% GDP của cả nước) và của Việt Nam, hội nhập trực tiếp với các tuyến biển xa xuyên đại dương.

Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã xác định Cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), đảm nhận vai trò là cảng trung chuyển quốc tế. Cùng với cảng biển Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu tạo thành hai cực quan trọng về phát triển cảng biển của Việt Nam với những lợi thế rất lớn như vừa có điều kiện tự nhiên phát triển cảng, vừa có hậu phương cảng lớn. Từ hai cảng biển này đã hình thành hành lang kinh tế quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế quan trọng nhất của cả nước (Hà Nội và TP.HCM) và kết nối quốc tế với Trung Quốc, Campuchia.

Trong những năm qua, khối lượng hàng hóa tăng trưởng ổn định; riêng năm 2020 cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu khối lượng đạt gần 113 triệu tấn, trong đó có hơn 7,5 triệu TEU container, chiếm 16% tổng hàng hóa cả nước và chiếm 34% tổng hàng container thông qua cảng biển Việt Nam. Đã tiếp nhận thành công một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay có trọng tải 214.121 DWT, qua đó đã nâng tầm vị thế của cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu và của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, nhiệm kỳ này, Bộ GTVT đã xác định, để thúc đẩy sự phát triển của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, cần đầu tư những công trình đột phá. Chẳng hạn như, dự án đường cao tốc 18 nghìn tỷ, đường vành đai, đường sắt, làm cầu, nạo vét luồng…

Theo Bộ trưởng, dù việc triển khai các dự án là rất cần thiết nhưng do nguồn ngân sách có hạn nên ưu tiên làm đường bộ trước, đường sắt có thể phải chờ sau năm 2025… “Liên quan đến luồng và cụm cảng, hiện nay độ sâu là -14,5m, đảm bảo cho tàu 100 nghìn tấn đầy tải vào được. Tuy nhiên, để cạnh tranh với khu vực thì cần phải nạo vét để đảm bảo độ sâu tối thiểu -15,5m (với số vốn khoảng 2.800 tỷ đồng). Chỉ 2.800 tỷ mà chúng ta có thể khai thác được tiềm năng rất lớn, tàu 200 nghìn tấn có thể ra vào thì hiệu quả đầu tư rất lớn, Bộ rất mong được Chính phủ ủng hộ”, Bộ trưởng đề xuất. 

Để phát huy được vai trò hệ thống cảng nước sâu khu vực Cái Mép - Thị Vải, tạo động lực tăng trưởng và nâng cao hiệu quả tăng trưởng chung của toàn vùng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng.

Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, thị sát cảng

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vùng Đông Nam Bộ phát triển là nhờ có các cảng, đặc biết tiềm năng của cụm cảng Cái Mép – Thị Vải vô cùng lớn. Thủ tướng nhất trí với đề xuất của Bộ GTVT, ưu tiên nạo vét tuyến luồng từ phao số 0 đến khu bến container Cái Mép đạt độ sâu đến -15,5m cho tàu lớn ra vào thuận tiện. Tổ chức các tuyến đường thủy nội địa kết nối, đặc biệt với ĐBSCL, quy hoạch hệ thống bến bãi gom hàng, cảng cạn, thực hiện dịch vụ logistic.

“Nếu chỉ có điều kiện tự nhiên thuận lợi là cảng nước sâu nhưng giao thông không được giải quyết thì không cách nào phát triển xứng tầm khu vực, quốc tế. Các bộ ngành, địa phương cần nghiên cứu dự án đoạn đường sắt Biên Hòa – Cái Mép như một phần nối dài của tuyến đường sắt Bắc - Nam để vận chuyển hàng hóa từ các vùng miền đến Cái Mép - Thị Vải", Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng ủng hộ đề xuất sớm đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An. Nghiên cứu đầu tư hạ tầng logistics, ưu tiên trung tâm logistics Cái Mép Hạ để thúc đẩy dịch vụ cảng tại Cái Mép. Nghiên cứu xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa kết nối sân bay quốc tế Long Thành và cảng biển Cái Mép - Thị Vải nhằm kết hợp vận tải giữa hàng không và đường thủy. Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm hình thành trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung với trang thiết bị hiện đại ngay tại khu vực cảng để thuận tiện cho việc thông quan hàng hóa. Quy hoạch thị xã Phú Mỹ, hay thành phố Vũng Tàu cần lưu ý đưa yếu tố những nơi này sẽ trở thành nơi đặt trụ sở của hệ thống các đại lý vận tải biển, các nhà khai thác, trung chuyển cấp, các đại lý bảo hiểm, dịch vụ tài chính ngân hàng tạo nền tảng kết nối giữa cảng biển và các chủ tàu, các nhà cung cấp dịch vụ.

Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp sau chuyến thị sát, kiểm tra cụm cảng

Thủ tướng nhất trí việc nghiên cứu thành lập khu mậu dịch tự do tại Cái Mép để các tập đoàn chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu về đây nhằm tận dụng lợi thế cảng nước sâu. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung cao độ và mọi biện pháp phát triển nhanh hơn nữa, đồng bộ hơn nữa, khả năng cạnh tranh cao hơn nữa để phát triển hệ thống cảng biển và logistic tại Bà Rịa - Vũng Tàu, trước hết là Cái Mép - Thị Vải ngang tầm khu vực vào năm 2030, cạnh tranh ngang hàng với Singapore và trở thành một đầu mối cảng biển đẳng cấp thế giới vào năm 2045.

Với mục tiêu đó, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần được khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập trong quy hoạch, đầu tư phát triển, quản lý khai thác cảng biển, đánh thức những tiềm năng sẵn có của nước ta./.

Nguồn: Báo Giao thông

 

 

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24930230
    • Online: 73