07/10/2021

Ngày 07/10/2021, tại Hà Hội, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đồng chí Nguyễn Văn Thể - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ GTVT đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu chính trụ sở Bộ GTVT

Tham dự Hội nghị trực tuyến, tại điểm cầu chính trụ sở Bộ GTVT, còn có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang và đại diện các Bộ, ngành; cơ quan, đơn vị tham mưu của Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam, Tổ chức tư vấn lập quy hoạch và các cơ quan thông tấn báo chí. Đại diện các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; Hiệp hội, các Cảng vụ hàng hải, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải dự Hội nghị tại các điểm cầu trực tuyến.

Xây dựng quy hoạch đảm bảo chất lượng, làm tiền đề phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT đồng bộ, hiện đại

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09/8/2018 về việc tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT đã tổ chức lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy trình quy định tại Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 và các văn bản hướng hướng dẫn. Cơ quan lập quy hoạch là Cục Hàng hải Việt Nam; Tổ chức tư vấn lập quy hoạch là Liên danh tư vấn Công ty CP TVXD công trình Hàng hải (CMB), Công ty CP TVXD Cảng đường thủy (TEDIPORT) và Trung tâm tư vấn đầu tư phát triển GTVT (CCTDI).

Trong quá trình lập quy hoạch, Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, địa phương để đảm bảo đồng bộ giữa quy hoạch cảng biển với các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan. Cụ thể, Bộ GTVT đã xin ý kiến và nhận được các góp ý, phản biện của 21 Bộ, cơ quan ngang bộ; 36 địa phương có liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học. Nội dung quy hoạch cũng đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch ngành quốc gia, Thường trực Chính phủ xem xét kỹ lưỡng và cho ý kiến để bổ hoàn thiện.

Ngày 22/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1579/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là Quyết định có ý nghĩa rất quan trọng, cụ thể hóa các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển kinh tế biển vào cuộc sống, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước thời kỳ 2021-2030. Đồng thời, Quyết định còn là căn cứ, định hướng để Bộ GTVT tiếp tục tổ chức xây dựng các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành hàng hải.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đã gửi lời cảm ơn trân trọng sự đồng hành, phối hợp của các Bộ ngành, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị Tư vấn lập quy hoạch, chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan thông tấn báo chí đã góp phần vào sự thành công trong công tác lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời gian qua.

“Tôi tin tưởng rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa các Bộ ngành, địa phương và các cơ quan liên quan là cơ sở vững chắc để xây dựng các quy hoạch đảm bảo chất lượng, làm tiền đề phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT đồng bộ, hiện đại góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đề ra” - Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, thời gian qua Bộ GTVT đã tập trung xây dựng 5 quy hoạch tổng thể ngành GTVT. Trong đó, 02 Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt và 03 quy hoạch còn lại đã được Hội đồng thẩm định thông qua, đang hoàn thiện để trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Các quy hoạch được triển khai cùng thời điểm giúp việc đánh giá tiềm năng, thế mạnh từng lĩnh vực hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Để quy hoạch cảng biển được hiệu quả, Bộ trưởng GTVT đề nghị các Bộ, ngành, địa phương ủng hộ ngành GTVT bằng cơ chế, chính sách để hoàn thiện quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, cũng như kết nối cảng biển với các loại hình giao thông khác. Cụ thể, Bộ trưởng cho biết, sẽ đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ chế đặc thù để tạo nguồn lực xã hội hóa đầu tư cảng biển, tạo tiền đề phát triển đất nước.

Năng lực của hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu thông qua đến năm 2030 từ 1.140-1.420 triệu tấn

Giới thiệu toàn văn Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang đã tập trung vào một số nội dung nổi bật của Quy hoạch. Cụ thể, Quy hoạch đã xác định cảng biển là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, là một trong ba khâu đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại phát huy lợi thế là phương thức chủ đạo vận tải hàng hóa khối lượng lớn, đóng vai trò quan trọng trong vận tải hàng hóa quốc tế. Trong 05 loại hình kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển được ưu tiên lựa chọn vị trí, các loại hình khác sẽ được kết nối đồng bộ liên hoàn dựa trên những ưu thế của từng phương thức trong từng hành lang vận tải.

Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang giới thiệu toàn văn Quyết định số 1579/QĐ-TTg

“Phát triển cảng biển trên cơ sở kế thừa thành quả đã đạt được trong suốt 20 năm phát triển cảng biển theo quy hoạch, ưu tiên các cảng biển cửa ngõ quốc tế, các cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng; các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp; các bến cảng tại các huyện đảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển đảo” - Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang khẳng định.

Năng lực của hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu thông qua đến năm 2030 từ 1.140-1.420 triệu tấn (gấp 1,64 - 2 lần so với sản lượng thông qua cảng biển năm 2020), trong đó hàng container từ 38-47 triệu TEU. Đồng thời, nhấn mạnh việc ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xây dựng, quản lý, khai thác hướng tới xây dựng cảng biển xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên đường bờ, mặt nước. Nguồn lực cho phát triển cảng biển thời kỳ này chủ yếu được huy động từ nguồn ngoài ngân sách chiếm đến 95% trong tổng số 313 ngàn tỷ đồng nhu cầu vốn đầu tư cảng biển. Vốn ngân sách tập trung cho hạ tầng công cộng, khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư./.

Ngọc Hân 

 

 

 

 

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24853971
    • Online: 82