NGUYỄN ANH TUẤN, LÂM PHẠM HẢI ĐIỆP Ngày 05/4/2013, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu Gói thầu số 4: Nổ mìn phá đá dưới nước và vận chuyển đi đổ thuộc Dự án nâng cấp luồng tàu vào cảng Quy Nhơn, tiếp sau khi nghiệm thu Gói thầu số 5: Nạo vét bùn cát, di dời phao rùa và phụ kiện vào tháng 10/2012. Như vậy, tính đến nay Dự án nâng cấp luồng tàu vào cảng Quy Nhơn đã cơ bản được hoàn thành với khối lượng đất nạo vét luồng và vũng quay tàu trên 1 triệu m3 và khối lượng phá đá trên 5 ngàn m3. Tuyến luồng sau khi được đầu tư nâng cấp có chuẩn tắc: Chiều dài luồng 6,3km tính từ phao số “0”, chiều rộng luồng 110m, bán kính cong chạy tàu đoạn luồng ngoài 900m, đoạn luồng trong 700m, cao độ đáy luồng -11,0m (so với số “0” hải đồ). Với vị trí địa lý chiến lược đặc biệt, cảng biển Quy Nhơn được đánh giá là đầu mối giao thông đường bộ và cảng biển quan trọng trong trục hành lang Đông Tây, là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của khu vực Nam Trung Bộ-Tây Nguyên cũng như các nước tiểu vùng sông Mekong, có ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế-xã hội cũng như xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan.
Tàu vào làm hàng tại cảng Quy Nhơn
Được sự quan tâm của Nhà nước, hệ thống cảng biển và luồng hàng hải đã được từng bước đầu tư đồng bộ: năm 2000, cảng Quy Nhơn được đầu tư nâng cấp cho tàu đến 30.000 DWT, năm 2005 được đầu tư nạo vét luồng đến cao độ đáy -10,5m (hải đồ) cho tàu 30.000 DWT giảm tải, đến nay tuyến luồng đã được đưa vào sử dụng cho tàu biển có trọng tải đến 30.000 DWT đầy tải và tàu biển trọng tải 50.000 DWT giảm tải. Vì vậy, trong những năm qua, lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Quy Nhơn đã tăng trưởng nhanh và ổn định, tính đến năm 2012 lượng hàng hóa thông qua cảng đã đạt trên 8,6 triệu tấn, hàng container đạt trên 69 ngàn TEU, đáp ứng xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế- xã hội cho các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ và từng bước mở rộng thị trường, phục vụ khu vực Đông Bắc Campuchia và Hạ Lào… Theo Quyết định số: 1764/QĐ-BGTVT ngày 03/8/2011 của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung Bộ (Nhóm 4) đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, cảng biển Quy Nhơn được quy hoạch là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại I, bao gồm các khu bến chức năng Quy Nhơn-Thị Nai, Nhơn Hội, Tam Quan, Đề Gi, bến Nhà máy nhiệt điện than Bình Định, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường biển của địa phương và khu vực, tạo kết nối với các cảng đầu mối trong khu vực và cảng cửa ngõ quốc tế; là động lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh của địa phương cũng như toàn vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực liên quan; mục tiêu thông qua lượng hàng hóa dự kiến đến năm 2015 đạt 9,6 - 13,1 triệu tấn, đến năm 2020 đạt 22,4 - 33,4 triệu tấn và đến năm 2030 đạt 42,5 triệu tấn. Với việc hoàn thành Dự án nâng cấp luồng tàu vào cảng Quy Nhơn, các bến cảng trong khu vực sẽ tăng tính hấp dẫn, nâng cao hiệu quả khai thác khi tiếp nhận được các tàu biển có trọng tải lớn đến 30.000 DWT đầy tải và tàu biển trọng tải đến 50.000 DWT giảm tải lợi dụng mực nước thủy triều hành hải an toàn trên luồng, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa với khối lượng lớn, tiết kiệm chi phí vận tải và chờ tàu. Hơn nữa, sau khi tuyến luồng hàng hải vào cảng Quy Nhơn được đưa vào sử dụng sẽ là cơ sở để nghiên cứu, phát triển tiếp đoạn luồng tàu vào khu bến Nhơn Hội - khu bến được quy hoạch trong tương lai với chức năng chủ yếu là bến chuyên dùng kết hợp làm hàng tổng hợp phục vụ trực tiếp các cơ sở công nghiệp tập trung quy mô lớn sẽ hình thành tại Khu kinh tế Nhơn Hội.