17/09/2019

Nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho ngành hàng hải dự báo vẫn tăng cao trong thời gian tới, song vì nhiều nguyên nhân khiến nhiều thuyền viên không còn muốn theo nghề.   Nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho ngành hàng hải được dự báo vẫn tăng cao trong thời gian tới, song vì nhiều nguyên nhân; trong đó có vấn đề suy thoái của vận tải biển dẫn đến nhiều thuyền viên không còn muốn theo nghề. Do đó, nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực hàng hải là hoàn toàn có thể xảy ra. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang
BNEWS: Ông có thể đánh giá thực trạng nguồn nhân lực ngành hàng hải hiện nay?
Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang: 
Tính đến thời điểm này, số lượng tàu biển treo cờ Việt Nam là gần 1.600 chiếc. Với con số này, để duy trì hoạt động ước tính cần khoảng hơn 28.000 thuyền viên. Hiện có khoảng 40.000 thuyền viên đang có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, về lý thuyết lượng thuyền viên Việt Nam hiện nay vẫn đang đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, qua cơ sở dữ liệu quản lý thuyền viên của Cục Hàng hải Việt Nam, giai đoạn 2018 - 2019 chỉ có khoảng 22.000 thuyền viên đăng ký làm việc trên tàu biển, nghĩa là có tới 43% thuyền viên không theo nghề. Trong khi đó, hàng năm có 400 - 500 thuyền viên hết tuổi lao động. Từ năm 2011 - 2018, quy mô đào tạo các ngành đi biển đã giảm hơn 3 lần, đặc biệt là nhiều sinh viên ra trường được đào tạo đúng nghề nhưng lại không theo nghề hàng hải nữa. Trường Đại học Hàng hải (Hải Phòng) - một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chính cho ngành hàng hải, trong 10 năm qua số lượng tuyển sinh đào tạo thuyền viên đi biển liên tục giảm, năm cao điểm nhà trường tuyển gần 9.200 thí sinh thì đến năm 2018, con số này chỉ còn 436 thí sinh. BNEWS: Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm nguồn nhân lực ngành hàng hải, đặc biệt là thuyền viên đi biển thưa ông?
Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang: 
Tôi cho rằng nguồn nhân lực ngành hàng hải, trong đó thuyền viên đi biển có xu hướng giảm xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chính, người học hiện nay không còn mặn mà với ngành đi biển bởi đây là ngành đặc thù, môi trường làm việc vất vả, phải xa gia đình nên tâm lý gắn bó với nghề không cao, đó là chưa kể những rủi ro của ngành này thường gặp phải. Mặt khác, hiện mức lương khởi điểm trong ngành này tại Việt Nam cũng thấp. Cùng với đó là những bất cập về chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Ví dụ, theo quy định thời gian đi biển của một thuyền viên trong một năm chỉ từ 08 - 10 tháng, 02 - 04 tháng nghỉ trên bờ không có lương. Điều này đồng nghĩa không được đóng bảo hiểm xã hội. Do tính liên tục trong đóng bảo hiểm của thuyền viên gần như không có nên rất hiếm thuyền viên đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm để được nhận lương hưu... Theo khảo sát, hiện mức lương dành cho thủy thủ, thuyền viên Việt Nam cũng đang thấp so với mặt bằng chung. Nếu chủ tàu Nhật Bản, Hàn Quốc trả lương cho thuyền viên trung bình khoảng từ 1.300 - 1.500 USD/tháng (gần 30 triệu đến trên 34 triệu đồng) thì ở Việt Nam, con số này mới chỉ dao động khoảng 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trong điều kiện ngành vận tải biển vẫn tiếp tục khó khăn nên các chủ tầu cũng khó có nguồn để tăng thu nhập cho thuyền viên dẫn đến càng khó thu hút và giữ được lao động. BNEWS: Để phát triển kinh tế biển thì vai trò của ngành hàng hải; trong đó có vận tải biển là hết sức quan trọng. Vậy, ngành hàng hải cần có giải pháp gì để thu hút, phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn tới thưa ông? Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang: 
Theo định hướng phát triển nguồn nhân lực vận tải biển của Cục Hàng hải Việt Nam, đến năm 2020 việc đào tạo và bồi dưỡng sẽ đạt khoảng 42.000 sỹ quan, thuyền viên; trong đó đào tạo mới khoảng 15.000 người (7.000 người bổ sung theo yêu cầu phát triển đội tàu và 8.000 người thay thế lực lượng hiện có). Cùng đó, khoảng 6.000 sỹ quan quản lý và khoảng 9.000 thuyền viên, công nhân kỹ thuật hàng hải sẽ được đào tạo nhằm tạo nguồn nhân lực dồi dào, tăng cường tính gắn kết giữa các doanh nghiệp vận tải biển với các cơ sở đào tạo, huấn luyện.Riêng trong năm nay, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ phối hợp với các trường đào tạo chuyên ngành hàng hải mở các khóa đào tạo chất lượng cao, bồi dưỡng nhân lực cho ngành. Cụ thể: 418 sỹ quan vận hành các hạng; 384 sỹ quan quản lý các hạng; 13 sỹ quan kỹ thuật điện; 326 thuyền trưởng và máy trưởng các hạng; tổ chức các lớp đào tạo hoa tiêu cơ bản và nâng cao hàng hải cho 33 học viên. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thuyền viên, Cục Hàng Hải Việt Nam đã tiếp tục duy trì bảo đảm cấp và cấp lại các loại giấy tờ cho tàu biển, thuyền viên kịp thời, chính xác theo quy định, đồng thời tiến tới giảm bớt các giấy tờ thuyền viên phải nộp khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan. Đối với những bất cập trong giải quyết chính sách cho thuyền viên, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục có kiến nghị lên Bộ GTVT và các bộ, ngành để giải quyết từng bước. Từ năm 2015, Nhà nước đã có chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân cho thuyền viên làm việc trên các hãng tàu nước ngoài và trên tàu Việt Nam chạy tuyến nước ngoài. Tuy nhiên, thuyền viên chạy tàu tuyến trong nước lại chưa được hưởng ưu đãi này. Nhằm khuyến khích các thuyền viên gắn bó lâu dài với nghề hơn, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tiếp tục đề xuất các cấp chức năng giảm thuế thu nhập cá nhân xuống 0% đối với tiền lương (cả tiền công, phụ cấp) của sỹ quan, thuyền viên. Đối với các cơ sở đào tạo, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ đứng ra kết nối giữa các trường đại học, cao đẳng đào tạo thuyền viên với các doanh nghiệp vận tải biển để làm sao hướng tới nhu cầu đào tạo và sử dụng có sự nhịp nhàng. Để phát triển nguồn nhân lực ngành hàng hải trong thời gian tới, Cục Hàng hải Việt Nam cũng kiến nghị nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi hơn cho việc đào tạo nhân lực đặc thù này. Đó là tăng cường đầu tư cho các cơ sở đào tạo đủ mạnh về lượng và chất để đảm đương trọng trách cung cấp nhân lựccho đội tàu biển quốc gia. Có các chính sách ngoại giao để mở rộng hợp tác quốc tế với các quốc gia hàng hải mạnh, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ trong khâu đào tạo và sử dụng thuyền viên./. Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!  Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam 

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24930906
    • Online: 69