04/11/2019

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký ban hành công văn số 1432/TTg-CN về quy hoạch cảng Trần Đề - Sóc Trăng.
Ảnh minh họa Văn bản do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký nêu rõ, xét đề nghị của Bộ GTVT và ý kiến của các Bộ liên quan về việc điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng biển Sóc Trăng và bến cảng Trần Đề trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ GTVT hoàn thiện nội dung điều chỉnh để tổ chức thẩm định cùng với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng giao tại quyết định số 995 năm 2018. Theo quy hoạch năm 2016, Bộ GTVT đã phê duyệt Quy hoạch Cảng biển Sóc Trăng và Trần Đề (Quyết định số 3383/QĐ-BGTVT) với quy mô khá khiêm tốn: bến cảng Đại Ngãi (xây mới), có khả năng tiếp nhận tàu 10.000 - 20.000 DWT, năng lực thông qua 1,2 triệu tấn/năm; bến cảng chuyên dùng Trung tâm Nhiệt điện Long Phú đón tàu dưới 10.000 DWT. Riêng với bến cảng Trần Đề, Quyết định số 3383/QĐ-BGTVT chỉ mới định hướng là sẽ xây dựng tại ngoài cửa Trần Đề, quy mô phụ thuộc vào tính khả thi về kỹ thuật và nhu cầu, năng lực của nhà đầu tư. Cảng biển Trần Đề rất thuận lợi về giao thông là nơi gần nhất của ngư trường biển Đông và biển Tây. Nơi đây có sẵn quốc lộ Nam sông Hậu, quốc lộ 60 kết nối với các tỉnh, thành trong vùng. Theo đánh giá của Cục Hàng hải Việt Nam: Nếu được đầu tư đúng tầm thì cảng biển Sóc Trăng gồm các bến cảng trong sông Trần Đề, sông Hậu và bến cảng ngoài khơi, có thể đáp ứng lượng hàng thông qua năm 2025 đạt 12,9 -14,7 triệu tấn/năm, trước khi có bước nhảy vọt lên 82,9 - 94,7 triệu tấn/năm vào năm 2030, trở thành cảng đầu mối lớn nhất cho 8/13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực ĐBSCL - vựa lúa, trái cây, thủy sản lớn nhất nước và là cảng tiếp nhận hàng than trung chuyển đến các trung tâm điện lực trong vùng. Trong buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã cho biết, Bộ đang nghiên cứu cảng biển nước sâu Trần Đề. Khi cảng Trần Đề được xây dựng thì toàn bộ hàng hóa ở khu vực ĐBSCL sẽ sử dụng cảng này để xuất nhập hàng ra thế giới. Khi đó, khu vực xung quanh cảng Trần Đề sẽ có điều kiện hình thành các khu, cụm công nghiệp lớn, đây là động lực mới vực dậy tiềm năng kinh tế cho cả vùng.
Hiện nay, nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của khu vực ĐBSCL ước đạt khoảng 17 đến 18 triệu tấn/ năm. Trong khi đó, cảng cụm Cái Cui là cảng lớn nhất tuy có thể tiếp nhận tàu 2 vận tấn nhưng vì luồng cạn nên lượng hàng hóa xuất khẩu của khu vực này gần như phải dồn hết lên cụm cảng Thành phố Hồ Chí Minh bằng đường bộ. Điều này làm tăng áp lực giao thông đường bộ và chi phí hàng hóa tăng cao. Do đó việc đầu tư cảng biển nước sâu "mở đường ra biển" cho hàng hóa khu vực này giao thương quốc tế là rất cần thiết nhằm giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản của khu vực./. Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24929172
    • Online: 73