17/12/2013

Vào hồi 21h ngày 02/8/2013, Trực ban Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải khu vực III (Vungtau MRCC) nhận điện thoại từ ông Nguyễn Ngọc Tuấn - đại diện Công ty CP Việt–Séc, có trụ sở tại Vũng Tàu thông báo: “… vào khoảng 20h15, tàu không rõ tên chở khoảng 15-18 hành khách đi từ Gò Công Đông - Tiền Giang về Vũng Tàu thì bị nước vào, hết nhiên liệu, chết máy ở khu vực cửa Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh, không rõ chính xác vị trí. Thời tiết sóng to, gió lớn. Toàn bộ hành khách có mặc áo phao”… Đồng thời, ông Tuấn cung cấp số điện thoại của người trên tàu bị nạn báo về cho Công ty CP Việt–Séc và đề nghị Vungtau MRCC hỗ trợ. Quá trình xử lý vụ việc tại Vungtau MRCC Sau khi tiếp nhận thông tin, Vungtau MRCC đã đề nghị đài thông tin duyên hải phát thông báo khẩn cấp thông tin tai nạn để các tàu, thuyền đang hành trình khu vực lân cận được biết để phối hợp xử lý, đồng thời thông báo tình hình tai nạn đến các cơ quan có trách nhiệm trong khu vực để phối hợp tìm kiếm nạn nhân, đồng thời tiếp tục kiểm tra xác minh thêm thông tin qua các đơn vị liên quan và chủ tàu. Ngay sau đó, Vungtau MRCC đã điều động tàu SAR 272 ra hiện trường phối hợp với các lực lượng, phương tiện thuộc Biên phòng TP. Hồ Chí Minh, Bảo đảm ATHH, Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu… tổ chức tìm kiếm khu vực vị trí tàu bị nạn và mở rộng dần ra các khu vực lân cận và tàu SAR 272 làm chỉ huy hiện trường. Khu vực biển Cần Giờ trên hải đồ có độ sâu hạn chế (khoảng -0,6m so với số 0 hải đồ), tàu cứu nạn phải sử dụng máy đo sâu để chạy tìm kiếm vì tàu cứu nạn có mớn nước lớn hơn độ sâu hiện trường. Bên cạnh đó, trong điều kiện đêm tối, tầm nhìn hết sức hạn chế, do vậy công tác tìm kiếm trở nên hết sức khó khăn.
Hồi 01h08 ngày 03/8/2013, tàu SAR 272 và lực lượng hiện trường đã phát hiện, tiếp cận, triển khai cứu 17 người, trong đó 14 người được tàu Biên phòng đưa về cấp cứu tại Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh; 03 người có sức khỏe yếu được xuồng cao tốc đưa lên tàu SAR 272 cấp cứu gấp (tàu SAR 272 có điều kiện cấp cứu y tế tại chỗ). Sau đó, Vungtau MRCC chỉ đạo cho tàu SAR 413 ra tới hiện trường nhận nhiệm vụ chỉ huy hiện trường thay cho tàu SAR 272 tổ chức phân bổ phương tiện tìm kiếm quanh khu vực vị trí tàu bị nạn, sau đó mở rộng khu vực TKCN. 01h45 ngày 03/8, tàu SAR 413 rời cầu ra hiện trường phối hợp TKCN. Hồi 02h45 ngày 03/8, lực lượng hiện trường bao gồm: các phương tiện của Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải khu vực III, Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, Biên phòng TP. Hồ Chí Minh, Biên phòng Bà Rịa-Vũng Tàu, Bảo đảm ATHH-Đông Nam Bộ. Lúc 03h43 cùng ngày, lực lượng hiện trường đã phát hiện và cứu thêm được 04 nạn nhân, trong đó có 02 người nước ngoài. Các nạn nhân được chuyển lên bờ cấp cứu tại Vũng Tàu. Đến 10h55 ngày 03/8, lực lượng hiện trường phát hiện và vớt 01 xác nạn nhân và chuyển thi thể nạn nhân sang ca-nô SAR 68 thuộc Vungtau MRCC đưa vào bờ thực hiện thủ tục bàn giao cho các gia đình nạn nhân. Hồi 16h20 cùng ngày, lực lượng hiện trường tìm được thêm 01 thi thể nạn nhân. Công việc TKCN tại hiện trường được duy trì suốt đêm 03/8. Ngày hôm sau (04/8), Vungtau MRCC và các cơ quan, đơn vị hữu quan tiếp tục huy động thêm các phương tiện nhỏ để mở rộng vùng TKCN, trong đó chú trọng tìm kiếm ven bờ. Cũng trong ngày hôm đó, lực lượng hiện trường đã vớt bổ sung 05 thi thể nạn nhân. Đến 07h00 ngày 05/8, lực lượng hiện trường phát hiện thêm 02 thi thể nạn nhân. Lúc 08h35, các thi thể nạn nhân cuối cùng được tàu SAR 413 và SAR 272 chuyển về cầu tàu Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải khu vực III để làm thủ tục bàn giao. Hồi 09h30, vụ việc TKCN được hoàn tất, Vungtau MRCC thông báo kết thúc vụ việc. Kết quả: Tổng số người được cứu, vớt đưa về bờ là 30 người; 21 người được cứu sống; 09 thi thể được vớt. Bài học kinh nghiệm Về thông báo thông tin cứu nạn Theo dõi vụ việc tai nạn tại Cần Giờ, đông đảo công chúng và các cơ quan ngôn luận đặt câu hỏi: Tại sao vụ việc xảy ra từ sớm (20h15) mà đến 21h00 Vungtau MRCC mới nhận được thông tin vụ việc? Quá trình điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy một thực trạng chung hiện nay là: khi gặp tai nạn, rất nhiều người không biết thông báo tai nạn bằng cách nào, báo cho ai và báo như thế nào. Nhiều người cho rằng, các cơ quan chức năng cần có một số điện thoại liên lạc chung, ngắn gọn, dễ nhớ để người bị nạn thông báo tai nạn được kịp thời. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ giải quyết được khi người thông báo và người nhận thông báo ở nơi sóng điện thoại phủ tới. Nhiều ý kiến khác lại cho rằng, người đi biển làm việc trên các phương tiện thuộc ngành Hàng hải, được trang bị đầy đủ kỹ năng báo nạn thì hầu hết thông báo tai nạn tương đối kịp thời, chính xác, đến đúng nơi tiếp nhận và nội dung thông tin đầy đủ, chính xác; trong khi đó, ngư dân và người điều khiển phương tiện thủy nội địa… thường thông báo thông tin chậm trễ, thiếu chính xác, thậm chí rất vô trách nhiệm, điển hình như vụ Cần Giờ nói trên. Vậy nên, muốn thông tin báo nạn đến đúng địa chỉ một cách nhanh chóng, đầy đủ, chính xác thì: - Trước hết, người báo tin phải là những người có ý thức tự trang bị cho mình một kỹ năng sống, biết cách ứng xử tốt nhất trong những tình huống gặp nạn, đồng thời phải có trách nhiệm cao với bản thân và cộng đồng. - Thứ hai, các cơ quan chức năng cũng cần quy định một số điện thoại chung, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ liên lạc trong các tình huống cấp cứu. Tuy nhiên, đối với những tai nạn sự cố trên biển thì số điện thoại chung chưa đủ, mà các kênh tần số cấp cứu, tín hiệu cấp cứu, dấu hiệu cấp cứu… cần được các cơ quan chức năng tuyên truyền phổ biến chính xác, rộng rãi và tích cực hơn nữa. Về xử lý thông tin phối hợp cứu nạn của các cơ quan chức năng Về xử lý thông tin tai nạn của các cơ quan chức năng trong vụ tai nạn Cần Giờ cũng được đánh giá rất trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý thông tin báo nạn còn chậm trễ dẫn đến việc ứng cứu các nạn nhân thiếu kịp thời. Thực tế thì, khi thông tin tai nạn được phát đi, cùng một lúc có rất nhiều cơ quan chức năng tiếp nhận và xử lý thông tin, bởi vì trách nhiệm cứu nạn trên biển không phải của riêng ai, mà là trách nhiệm của nhiều cơ quan đơn vị, nhiều cấp, nhiều ngành, và có thể nói là của cả cộng đồng. Thực tế hiện nay còn tồn tại bất cập: có những cơ quan chức năng xử lý thông tin báo nạn nhanh chóng, kịp thời và có trách nhiệm; bên cạnh đó, còn có cơ quan chức năng xử lý thông tin báo nạn chậm trễ, mang tính đối phó, thậm chí là thiếu trách nhiệm. Với vụ tai nạn Cần Giờ, câu trả lời cho việc nhanh chóng hay chậm trễ thuộc về các cơ quan có thẩm quyền. Bài học rút ra cho các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác xử lý thông tin báo nạn, đó là: - Tất cả các cơ quan, đơn vị liên quan đến trách nhiệm TKCN trên biển, không kể chuyên trách hay kiêm nhiệm, đều không được xem nhẹ công tác xử lý thông tin báo nạn. - Thông tin báo nạn cần phải được xử lý theo quy trình, được huấn luyện, tập luyện thường xuyên. - Người được giao nhiệm vụ thường trực tiếp nhận thông tin báo nạn ban đầu phải có kỹ năng xử lý thông tin và là người có tinh thần trách nhiệm cao. Về phối hợp chỉ đạo, điều hành công tác TKCN hiện trường Vấn đề chỉ đạo và điều hành công tác TKCN hiện trường đã được phân cấp, phân quyền, phân chia trách nhiệm tương đối cụ thể rõ ràng tại các quy định hiện hành, đặc biệt là tại Quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển ban hành kèm theo Quyết định số 103/2007/QĐ-TTg, ngày 12/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như: - Phân vùng trách nhiệm chủ trì TKCN trên biển - Trách nhiệm của cơ quan chủ trì TKCN; đơn vị phối hợp TKCN; chỉ huy hiện trường - Trách nhiệm phối hợp hoạt động TKCN trên biển của các tổ chức, cá nhân… Tuy nhiên, qua vụ tai nạn Cần Giờ cho thấy, việc phối hợp chỉ đạo, điều hành công tác TKCN hiện trường chưa thực sự hiệu quả, còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm, như: - Một số cấp, ngành cần thực hiện nghiêm túc hơn những quy định hiện hành liên quan đến vai trò trách nhiệm của mình trong công tác phối hợp chỉ đạo, điều hành công tác cứu nạn hiện trường. - Công tác chỉ huy hiện trường đã được các cơ quan chức năng đánh giá cao trong vụ việc Cần Giờ cần được phát huy và nhân rộng để nâng cao hiệu quả hoạt động cứu nạn trên biển. Về tính nhân đạo trong công tác cứu vớt nạn nhân Vụ tai nạn Cần Giờ với 09 thi thể nạn nhân được lực lượng hiện trường tìm kiếm, bảo quản, đưa về bờ bàn giao cho các cơ quan chức năng để phối hợp tiến hành thủ tục mai táng đầy đủ và nhanh chóng cho chúng ta một bài học mới hơn, sâu sắc hơn về tính nhân văn trong công tác cứu vớt nạn nhân trên biển. Một số lượng lớn, bao gồm các tàu chuyên dụng TKCN và các tàu thuyền khác của ngành Hàng hải, các tàu của lực lượng Biên phòng, Hải quan, hàng trăm tàu cá, các tàu thuyền đang hoạt động ngang qua vùng biển khu vực Cần Giờ được huy động đã tích cực tham gia công tác tìm kiếm các nạn nhân, ngay cả khi khả năng sống sót của họ rất mong manh. Việc vớt xác nạn nhân đã qua nhiều ngày trên biển; thao tác đóng gói bảo quản xác nạn nhân đang trong tình trạng phân hủy; thực hiện các thủ tục tâm linh đối với những người xấu số; giúp đỡ thiết thực về cả vật chất lẫn tinh thần đối với thân nhân người gặp nạn trong thời gian chuyển giao, mai táng... cũng cần lắm những tấm lòng sẻ chia, đồng cảm. Về thông tin báo chí Công chúng đa phần công tâm khi nhận xét, đánh giá các cơ quan chức năng trong các chức phận liên quan đến sinh mạng con người, nếu như họ nhận được thông tin chuẩn xác, trung thực của các cơ quan ngôn luận. Ngược lại, đôi khi họ vô tình tiếp tay cho một số người xấu lợi dụng công cụ thông tin báo chí để trục lợi hoặc phục vụ cho mục đích cá nhân. Vụ tai nạn Cần Giờ với những thông tin trái chiều, trong đó không ít những thông tin bị bóp méo, thiếu trung thực, không đúng với sự việc diễn ra, ít nhiều tạo áp lực cho các cơ quan, đơn vị đang thực thi trách nhiệm cứu nạn nhân đạo trên vùng biển phía Nam. Tuy nhiên, vụ tai nạn Cần Giờ cũng cho chúng ta một số bài học kinh nghiệm về thông tin báo chí: - Người cung cấp thông tin cho báo chí cần nhận thức rõ: mình nói gì và nói như thế nào để phản ánh đúng bản chất sự việc và tránh việc lợi dụng báo chí để “tranh công đổ lỗi”, để “tô hồng mình, bôi đen người”… - Các cơ quan, đơn vị cần có thái độ hợp tác tích cực với cơ quan ngôn luận (cử người phát ngôn; cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng, ngắn gọn, chính xác…). - Nếu có điều kiện nên tổ chức họp báo để đảm bảo tính nhanh chóng và minh bạch của thông tin, như vậy cũng hạn chế phần nào các cá nhân muốn bóp méo, xuyên tạc thông tin. - Các phóng viên, cơ quan ngôn luận cần tuân thủ nguyên tắc trung thực, khách quan khi đưa tin, đồng thời cần hết sức tôn trọng các quy định, quy chế của các cơ quan đang thi hành công vụ; không cản trở, hoặc gây khó khăn, phiền hà cho họ khi đang tác nghiệp, đặc biệt là những nhiệm vụ liên quan đến tính mạng của người dân, tài sản của Nhà nước, uy tín của Đảng. Báo chí là công cụ của Đảng, là vũ khí của nhân dân trên mọi mặt trận, và người cầm bút cũng cần lắm một chữ Tâm, như những người làm công tác TKCN trên biển chúng tôi thường tâm niệm vậy.

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24850180
    • Online: 81