Trước ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, thời gian qua Cục Hàng hải Việt Nam đã nỗ lực đồng hành cùng các doanh nghiệp, người lao động trong ngành hàng hải. Thời gian tới, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hàng hải phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau thời gian kết thúc giãn cách xã hội, cần nghiên cứu, xem xét để tiếp tục có những đề xuất, kiến nghị cụ thể, thiết thực về cơ chế, chính sách tài chính…
Hình ảnh minh họa
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nền kinh tế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều chịu những tác động vô cùng nặng nề. Hoạt động kinh tế hàng hải cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt là một số địa phương có quyết định thực hiện giãn cách xã hội, ban hành quy định kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt đối với chu trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong khi đó, đối với nền kinh tế hàng hải là nền kinh tế mũi nhọn, là động lực xung kích để phát triển đất nước đã được Đảng, Nhà nước ta xác định tại Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là “Về kinh tế biển: Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước” và về tầm nhìn đến năm 2045 là “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Do đó, trong thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành một số cơ chế, chính sách về tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp hàng hải đã và đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp hàng hải tại các cuộc họp, đối thoại doanh nghiệp, Cục Hàng hải Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT có văn bản gửi Bộ Tài chính kịp thời ban hành Thông tư số 74/2021/TT-BTC ngày 27/8/2021. Theo đó, các chính sách phí, lệ phí hàng hải tại Thông tư này đã ban hành đúng, trúng mong muốn của các doanh nghiệp, như: miễn, giảm các khoản phí trọng tải tàu, thuyền; phí bảo đảm hàng hải và phí sử dụng vị trí neo, đậu trong thời gian tàu thuyền phải neo đậu thực hiện công tác kiểm dịch, điều động sang khu vực hàng hải khác để cách ly y tế trong một số trường hợp bắt buộc theo quy định của các cơ quan kiểm dịch CDC địa phương trước khi được phép vào cảng biển thực hiện xếp dỡ hàng hóa, đón nhận trả khách.
Bên cạnh đó, quy định mới tiếp tục duy trì hoặc gia hạn thời gian thực hiện các chính sách giảm phí tàu thuyền có dung tích lớn chở container xuất, nhập khẩu, trung chuyển tại Cái Mép - Thị Vải; quy định gia hạn áp dụng mức thu phí cho tàu thuyển chuyển tải dầu tại vịnh Vân Phong - Khánh Hòa và áp dụng mức thu phí thấp đối với phương tiện thủy nội địa hoạt động trên tuyến đường thủy theo quy định tại Hiệp định được ký giữa hai Chính phủ Việt Nam - Campuchia.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021 về quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, cho phép giảm mức thu phí, lệ phí đối với 30 loại phí, lệ phí đến hết ngày 31/12/2021, gồm: giảm 20% phí đăng ký giao dịch bảo đảm; giảm 20% phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tàu biển; giảm 10% phí sử dụng đường bộ đối với xe tải, xe ô tô chuyên dùng, xe đầu kéo của doanh nghiệp kinh doanh vận tải, hợp tác xã kinh doanh vận tải, hộ kinh doanh vận tải…
Đối với chính sách về giá dịch vụ hàng hải, nhằm hỗ trợ tàu thuyền Việt Nam hoạt động nội địa, Cục Hàng hải Việt Nam đã kêu gọi các doanh nghiệp hoa tiêu hàng hải, doanh nghiệp lai dắt áp dụng mức thu giá tối thiểu trong khung giá hoặc giảm giá theo dịch vụ hiện nay theo quy định tại Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT ngày 14/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Đến nay, đã có 08/12 Công ty hoa tiêu và 40/70 doanh nghiệp lai dắt áp dụng giảm giá cho các tàu biển Việt Nam hoạt động vận tải nội địa.
Trong thời gian tới, sau khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát hoặc thực hiện chiến lược kinh tế mới của đất nước để vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gắn với quan điểm cần sống chung với dịch bệnh, xin mạnh dạn có một số đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền về một số chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản thuế, phí, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho doanh nghiệp, cụ thể như sau:
Một là, nhằm đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói chung, kiến nghị Chính phủ xem xét tiếp tục ban hành Nghị định về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 để áp dụng đối với doanh nghiệp, Hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác tương tự như Nghị định số 114/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 đã được Chính phủ ban hành và đã áp dụng rất tốt trong quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.
Hai là, kiến nghị Bộ Tài chính ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định pháp luật để cho phép doanh nghiệp được giãn, chậm nộp thuế giá trị gia tăng; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho doanh nghiệp với thời gian chậm nộp tối đa kể từ thời gian kết thúc quyết toán thuế năm 2021 theo quy định và không áp dụng hình thức xử phạt chậm nộp đối với các khoản tiền này.
Ba là, đối với các khoản thu giá dịch vụ hàng hải, trước mắt báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, bổ sung quy định miễn thu giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải, giá dịch vụ lai dắt trong trường hợp tàu thuyền phải di chuyển đến vị trí neo đậu chỉ định để thực hiện kiểm dịch y tế hoặc phải di chuyển đến vị trí chỉ định để cách ly y tế đối với tàu thuyền khi đã phát hiện có ca bệnh dương tính Covid-19 theo quy định của cơ quan kiểm dịch CDC địa phương. Bên cạnh đó, cần xem xét để yêu cầu các doanh nghiệp áp dụng mức giá tối thiểu hoặc giảm giá thu hiện nay trong khung giá quy định tại Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT ngày 14/11/2018 đối với các loại giá dịch vụ hoạt động hàng hải nội địa, thời gian áp dụng có thể đến hết ngày 30/6/2022 hoặc đến hết ngày 31/12/2022.
Bốn là, đối với giá cước dịch vụ vận tải biển và giá dịch vụ cảng biển, cần rà soát theo hướng giảm giá, hạn chế tối đa việc hãng tàu, doanh nghiệp cảng biển lợi dụng dịch bệnh dẫn đến khan hiếm tàu vận tải để nâng giá cước bất hợp lý, ảnh hưởng đến chủ hàng, người tiêu dùng Việt Nam. Trước mắt, cần rà soát yêu cầu các doanh nghiệp hàng hải ưu tiên tập trung có kế hoạch giảm ngay giá cước vận tải biển nội địa khi vận chuyển mặt hàng phân bón do hiện nay giá phân bón đã tăng quá cao, trong đó có nguyên nhân từ việc việc tăng giá cước vận tải biển thời gian gần đây đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc duy trì sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Năm là, đối với các khoản phải nộp theo lương của các doanh nghiệp, như: trích nộp kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét để có cơ chế miễn nộp hoặc giảm mức phải nộp trong năm 2021 hoặc giãn, hoãn nộp khoản kinh phí này nhằm giảm áp lực khó khăn về chi phí, giá thành của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đối với các khoản vay tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp cần xem xét để có cơ chế khoanh nợ, cho phép chậm trả lãi hoặc giảm lãi suất đảm bảo phù hợp với từng đối tượng doanh nghiệp.
Sáu là, đối với chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải biển, đề nghị Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, có công hàm gửi các nước liền kề với Việt Nam để thống nhất quy trình xét nghiệm, kiểm dịch, giảm thiểu thời gian chờ đợi của tàu thuyền hoặc điều chỉnh quy định về thay thế thuyền viên trong quy trình phòng chống dịch bệnh đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển khi thuyền viên đã có đủ giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính còn trong thời hạn. Hiện nay, qua phản ánh của một số doanh nghiệp thì quy định bắt buộc thay thế toàn bộ thuyền viên trước khi nhập cảnh nước bạn của Campuchia hiện nay đã phát sinh thêm nhiều thời gian chờ đợi của tàu thuyền, tăng chi phí của doanh nghiệp.
Bảy là, về việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong triển khai thi công các công trình, dự án, đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền rà soát, chỉ đạo kịp thời, rút ngắn thời gian xem xét thẩm định, phê duyệt và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm trong trường hợp chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án có chậm trễ trong thực hiện với các nguyên nhân chủ quan (nếu có). Mục đích quan trọng cần đạt được là các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công đã được phân bổ này cần phải được triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất trong các tháng còn lại của năm tài chính 2021, tránh và hạn chế thấp nhất việc lãng phí nguồn lực đầu tư công, góp phần vào việc duy trì mục tiêu tăng trưởng GDP chung của đất nước./.
TS. Trần Quang Huy - Cục Hàng hải Việt Nam