11/11/2019

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, Bộ GTVT đã và đang thí điểm nạo vét hàng hải theo hình thức khoán gọn sản phẩm cho một số đơn vị. Điều này, giúp tiết kiệm chi phí, tuyến luồng luôn đạt độ sâu ổn định. Từ hiệu quả đó, bắt đầu từ năm 2020, Bộ sẽ giao khoán gọn nạo vét các tuyến luồng hàng hải.
Ảnh minh họa "Lời ăn, lỗ chịu" Theo Nghị định 159/2018 của Chính phủ và Thông tư 35/2019 của Bộ GTVT việc thực hiện khoán nạo vét hàng hải đã được thông qua, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ đã thí điểm khá hiệu quả tại 3 tuyến luồng như Hải Phòng, Sài Gòn, Vũng Tàu - Thị Vải. Với tuyến luồng Hải Phòng, giai đoạn năm 2015 - 2016, tuyến luồng này đã được khoán nạo vét, vì thế, luồng bồi lắng đến đâu, lập tức có đơn vị nạo vét đến đó. Tàu lớn hơn 35.000 tấn đầy tải vẫn có thể di chuyển vào tuyến luồng 24/7. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc duy tu luồng hàng hải bộc lộ nhiều bất cập, chỉ thực hiện 1 lần/năm. Cứ vài tháng luồng lại bị sa bồi, tàu lớn thường xuyên phải giảm tải hoặc chuyển đổi cỡ tàu, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của cảng. Ông Nguyễn Phúc Chính, Trưởng phòng Bảo đảm an toàn hàng hải, Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải Miền Bắc cho biết, theo hình thức khoán sản phẩm, nhà thầu sẽ tiến hành nạo vét đảm bảo độ sâu thiết kế cho cả năm với kinh phí đã khoán cho các doanh nghiệp có năng lực, thực hiện theo phương châm "lời ăn, lỗ chịu", tuyệt đối không điều chỉnh khối lượng và tổng mức đầu tư, đồng thời luôn đảm bảo chuẩn tắc thiết kế của tuyến luồng. "Ví dụ, theo tính toán, luồng cạn 20 cm như hiện tại, các tàu sẽ phải cắt đi khoảng 100TEUs/chuyến. Bình quân mỗi TEU mất khoảng 50 - 60 USD, tương đương mỗi chuyến tàu, hãng tàu sẽ chịu tổn thất từ 500 - 600 USD. Với giá bốc xếp hiện tại là hơn 30 USD/TEUs, doanh nghiệp cũng mất đi khoảng 3.000 USD/chuyến tàu, chưa kể giá dịch vụ bên trong (đóng, rút container, nâng hạ hàng hóa..)", ông Chính nêu. Về phía giám sát, quản lý, ông Chính cho hay, các đơn vị khác có liên quan như: Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc và các cơ quan hữu quan khác sẽ thực hiện nhiệm vụ sẽ giám sát quá trình thực hiện của nhà thầu, đo đạc khảo sát và ra thông báo hàng hải, đề nghị nạo vét các đoạn cạn (nếu có); Cục Hàng hải Việt Nam sẽ đàm phán kinh phí khoán cụ thể cho tuyến luồng một cách hợp lý, trên cơ sở tiết kiệm ngân sách. Tiêu chí thực hiện khoán nạo vét thế nào? Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, về mặt thủ tục, công tác nạo vét sẽ được hoàn tất các thủ tục chuẩn bị một lần, sau đó nhà thầu sẽ thi công liên tục đến hết thời gian thực hiện hợp đồng trong khoảng 2 - 3 năm. Các năm tiếp theo sẽ không phải thực hiện lại các thủ tục phê duyệt thiết kế dự toán, đánh giá tác động môi trường, lựa chọn nhà thầu, đo đạc bàn giao mặt bằng. Nói rõ hơn việc xác định khối lượng định mức nạo vét, ông Nguyễn Phúc Chính cho hay, "căn cứ vào độ sâu tuyến luồng do đơn vị tư vấn dự báo khối lượng sa bồi hàng năm trên cơ sở các số liệu khảo sát 3 năm gần nhất. Còn về các thủ tục khác như đánh giá tác động môi trường, lựa chọn nhà thầu vẫn thực hiện tương tự như công tác nạo vét thông thường". "Về năng lực nhà thầu nạo vét phải được đánh giá sát sao đảm bảo đủ năng lực về thiết bị, phương tiện, nhân lực và kinh nghiệm thi công đáp ứng được khối lượng thi công và giá trị hợp đồng tổng thể trong nhiều năm..."- ông Chính nói. Ông Bùi Thế Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam cho hay, thông qua việc khoán nạo vét hàng hải sẽ đảm bảo tuyến luồng có độ sâu ổn định hơn, luồng bị bồi lắng là có thể duy tu nạo vét. Ngoài ra, khi khoán gọn nạo vét sẽ gỡ vướng trong việc tìm được vị trí đổ chất nạo vét lâu dài. Thực tế, việc thống nhất với địa phương về bãi chứa vật liệu nạo vét cho từng năm hiện vẫn rất khó khăn, chưa nói đến việc sử dụng bãi chứa trong nhiều năm. Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đánh giá, việc khoán nạo vét sẽ đem lại hiệu quả trong hoạt động của các tuyến luồng, dù kinh phí khoán gọn mỗi năm sẽ lớn hơn so với nạo vét duy tu 1 lần/năm vì bao gồm thêm khối lượng sa bồi phải nạo vét tiếp tục từ sau khi kết thúc đợt nạo vét đầu tiên cho đến cuối năm kế hoạch. Tuy nhiên, lại đảm bảo thông suốt cho tàu ra vào, nâng cao hiệu quả, công suất hoạt động cảng, tránh khuất tất trong hoạt động nạo vét, đảm bảo đem lại hiệu quả kinh tế cao./. Nguồn: VietnamFinance

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24852499
    • Online: 41