Ngày 15/11/2010, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khoá XII đã biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (Luật Thanh tra 2010) thay thế cho Luật Thanh tra 2004. Luật Thanh tra 2010 gồm 7 chương, 78 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. Luật Thanh tra 2010 có nhiều điểm mới đáng chú ý so với Luật Thanh tra 2004. Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Thanh tra 2010 là nâng cao địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra, xác định tính độc lập tương đối của các cơ quan thanh tra trong mối quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Luật quy định rõ cơ quan thanh tra có quyền chủ động tiến hành thanh tra theo kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt; trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì Thủ trưởng cơ quan thanh tra có quyền quyết định thanh tra và chịu trách nhiệm về quyết định của mình (các Điều 15, 16, 18, 19, 21, 22, 24, 25, 27 và 28); Bên cạnh đó, Luật Thanh tra 2010 còn quy định Thủ trưởng cơ quan Thanh tra có quyền đề nghị hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tiến hành thanh tra trong phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị mình khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nếu các chủ thể này không đồng ý thì Thủ trưởng cơ quan Thanh tra có quyền ra quyết định thanh tra đối với vụ việc đó (điểm c khoản 2 Điều 16, điểm c khoản 2 Điều 19, điểm c khoản 2 Điều 22); quy định Thủ trưởng cơ quan Thanh tra có quyền quyết định thanh tra lại vụ việc đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật (điểm b khoản 2 Điều 16, điểm b khoản 2 Điều 19, điểm b khoản 2 Điều 22); Trong Luật Thanh tra 2004 không có quy định riêng về lực lượng thanh tra chuyên ngành. Trên thực tế, sự xuất hiện quá nhiều tổ chức thanh tra chuyên ngành dẫn đến việc trùng lặp, chồng chéo trong công tác thanh tra. Luật Thanh tra 2010 đã quy định rõ “Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, bao gồm Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Chi cục thuộc sở được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành” (khoản 6 Điều 3); cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành không thành lập cơ quan thanh tra độc lập (Khoản 1, Điều 30). Việc giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực do Chính phủ quy định, theo đề nghị của Tổng Thanh tra Chính Phủ sau khi đã thống nhất với Bộ trưởng. Khi tiến hành thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật (Khoản 2, Điều 30). Xem xét công bố dự thảo kết luận thanh tra tới các đối tượng bị thanh tra cũng là một điểm mới đáng chú ý và dự kiến sẽ được quy định cụ thể tại văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra 2010. Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra 2010 đã trình Chính phủ thì trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra có thể gửi dự thảo kết luận cho đối tượng thanh tra để họ giải trình về những vấn đề chưa nhất trí. Theo tinh thần này, việc được biết nội dung dự thảo kết luận không phải là quyền đương nhiên của đối tượng thanh tra. Người ra quyết định thanh tra có quyền cân nhắc xem có cần thiết phải gửi dự thảo kết luận cho đối tượng thanh tra biết nội dung hay không. Liên quan đến việc xử lý kết luận sau thanh tra, Luật Thanh tra 2010 quy định kê biên, phong tỏa tài sản để đảm bảo thi hành quyết định thanh tra. Tuy nhiên, với những kết luận thanh tra có hiệu lực trước ngày 01/7/2011 sẽ không tính đến việc kê biên này.