30/12/2020

Chiều nay (30/12), tại thành phố Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã chủ trì Hội thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021, tầm nhìn đến năm 2050 với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các Bộ ngành, tỉnh, thành phố; các trường Đại học, Viện nghiên cứu; các Hiệp hội nghề nghiệp, tổ chức Tư vấn. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang và đại diện các phòng chuyên môn cùng tham dự Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam

Hội thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức với mục tiêu trao đổi, thảo luận và tiếp thu, giải trình các ý kiến của các đại biểu nhằm chuẩn bị cho công tác thẩm định, trình duyệt quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ về hướng dẫn một số Điều của Luật Quy hoạch.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2000 chỉ đạt gần 82 triệu tấn, tuy nhiên đến năm 2020, mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển vẫn duy trì tăng trưởng, đạt hơn 680 triệu tấn (tăng 4% so với năm 2019). Qua đó cho thấy, kết quả đáng ghi nhận này có được là nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển được chú trọng phát triển trong thời gian vừa qua.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phát biểu khai mạc Hội thảo

“Sau 20 năm quy hoạch, hệ thống cảng biển Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng, cơ bản đáp ứng được mục tiêu phát triển theo quy hoạch được duyệt” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định.

Đến thời điểm hiện nay, để điều chỉnh hệ thống cảng biển sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tăng và để đáp ứng vận tải đa quốc gia, Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị liên quan triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang, việc triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết, tạo cơ sở triển khai các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, bao gồm: quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước và quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển.

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại Hội thảo

“Việc lập quy hoạch còn góp phần quan trọng trong việc đảm bảo hệ thống cảng biển Việt Nam được phát triển liên tục theo một quy hoạch tổng thể và thống nhất trên quy mô cả nước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta hội nhập sâu rộng và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng” - Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang khẳng định.

Báo cáo kết quả nghiên cứu Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021, tầm nhìn đến năm 2050, ông Lê Tấn Đạt - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình Hàng hải (CMB) cho biết, hệ thống cảng biển Việt Nam cơ bản đáp ứng được mục tiêu phát triển theo quy hoạch được duyệt, tạo động lực phát triển các khu kinh tế, công nghiệp - đô thị ven biển, đảm bảo tốt việc thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu và vận tải hàng hóa bằng đường biển giữa các vùng miền trong cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Ông Lê Tấn Đạt - Phó TGĐ Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình Hàng hải báo cáo tại Hội thả

Đồng thời, Việt Nam đã hình thành các khu bến tổng hợp, công ten nơ, chuyên dùng hiện đại và Cảng cửa ngõ quốc tế thuộc mạng lưới vận tải hàng hải quốc tế tại hai đầu đất nước, đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực. Đến thời điểm hiện nay, bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, nhiều yếu tố tiền đề cho việc xác định mô hình, quy mô phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã, đang được điều chỉnh phù hợp với bối cảnh kinh tế toàn cầu và quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nền kinh tế đất nước.

Trong khuôn khổ của Hội thảo, dưới sự điều hành của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang, đại diện các tỉnh, thành phố: TP. Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thanh Hóa... đã thông tin về thực trạng cảng biển và tham luận liên quan đến quy hoạch cảng biển Việt Nam trên địa bàn. Cùng với đó, các chuyên gia, khách mời đến từ Bộ Xây dựng, các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, Hiệp hội nghề nghiệp, tổ chức Tư vấn cùng trao đổi, ý kiến về các nội dung chính liên quan đến Quy hoạch cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, Cục Hàng hải Việt Nam và Liên danh tư vấn lập quy hoạch đã lắng nghe, tiếp thu và giải trình các ý kiến của đại biểu tham dự.

Đại biểu tham luận tại Hội thảo

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 9/8/2018 về việc tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 77/QĐ-TTg ngày 13/01/2020 về phê duyệt đề cương nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT đã tổ chức lập và hoàn thành báo cáo cuối kỳ của Quy hoạch; trong đó Cục Hàng hải Việt Nam là cơ quan lập quy hoạch và tổ chức tư vấn lập quy hoạch gồm Liên danh tư vấn Công ty CP Tư vấn xây dựng trình Hàng hải (CMB), Công ty CP Tư vấn xây dựng Cảng đường thủy (TEDIPORT) và Trung tâm tư vấn đầu tư phát triển GTVT (CCTDI).

Thông tin bên lề, tính đến hết năm 2019, cả nước có 588 cầu cảng/96.275md bến (gấp 4 lần năm 2000), tổng lượng hàng hóa thông qua đạt 664,6 triệu tấn (gấp 8 lần năm 2000). Đồng thời, đã hình thành các cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế tại khu vực phía Bắc và phía Nam tiếp nhận tàu công ten nơ đến 132.000 tấn tại khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng) đến 214.000 tấn tại khu bến Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) và các bến chuyên dùng quy mô lớn gắn với các khu công nghiệp, liên hợp luyện kim, lọc hóa dầu, trung tâm nhiệt điện than tiếp nhận tàu đến 200.000 tấn, hàng lỏng đến 150.000 tấn (tàu xuất sản phẩm), dầu thô đến 320.000 tấn cơ bản đã đạt được các mục tiêu theo quy hoạch đến năm 2020.

Hình ảnh minh họa hệ thống cảng biển Việt Nam

Về tuyến vận tải, Việt Nam đã thiết lập được 32 tuyến vận tải biển, trong đó 25 tuyến vận tải quốc tế và 07 tuyến vận tải nội địa. Ngoài các tuyến nội á, khu vực phía Bắc đã khai thác 2 tuyến đi Bắc Mỹ; phía Nam đã hình thành được 16 tuyến tàu xa đi Bắc Mỹ và Châu Âu vượt trội hơn các nước khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Malaysia và Singapore). Mặt khác, đã đưa vào khai thác 44 luồng hàng hải công cộng, 34 luồng hàng hải chuyên dùng, 94 đèn biển trải dài từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, 32 đài thông tin trải dài từ Móng Cái đến Hà Tiên cùng hệ thống thu nhận, truyền phát, cung cấp thông tin nhận dạng và theo dõi vị trí tàu, thuyền (LRIT) và hệ thống VTS lắp đặt tại các cảng biển lớn hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý, giám sát vị trí tàu thuyền; giám sát, quản lý hoạt động hàng hải trong vùng nước cảng biển…/.

Ngọc Hân 

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24871461
    • Online: 1453