Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất Bộ GTVT kiến nghị với Bộ Công thương và Bộ Y tế cung ứng đầy đủ trang thiết bị bảo hộ cá nhân phải làm việc trực tiếp trên tàu để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động, loại trừ hoàn toàn các rủi ro có thể lây nhiễm dịch Covid-19 trong hoạt động hàng hải…
Hình ảnh minh họa
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát, đơn vị này đã có văn bản yêu cầu các cảng vụ hàng hải tăng cường kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền, phương tiện vận chuyển hàng hóa đến, rời cảng biển, tàu thuyền hoạt động tại khu vực mỏ, cảng dầu khí ngoài khơi thuộc vùng biển Việt Nam để phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành phòng, chống dịch nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, hiện công tác chống dịch tại khu vực mỏ khí ngoài khơi vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, tại khu vực mỏ Rạng Đông, nguồn hàng chủ yếu chở dầu thô từ Trung Quốc đến thường xuyên có công nhân trên mỏ ăn, ở sinh hoạt chung nên có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn chưa có hướng dẫn riêng đối với hoạt động đặc thù tại cảng mỏ dầu khí.
Cũng theo phản ánh, thời điểm hiện tại, trang thiết bị, cơ sở vật chất y tế phục vụ kiểm dịch cũng khá khó khăn. Các cơ quan kiểm dịch y tế quốc tế tại khu vực cảng biển không có phương tiện thủy phục vụ kiểm dịch hoặc số lượng hạn chế nên gặp khó khăn khi triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch tại khu neo kiểm dịch do đặc thù của ngành hàng hải, khu neo kiểm dịch được chỉ định xa đất liền (vị trí phao số 0…), thường xuyên bị ảnh hưởng của sóng gió.
“Hoa tiêu là người trực tiếp lên tàu để dẫn tàu vào cảng, thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với thuyền viên nhưng trang thiết bị bảo hộ cá nhân lại không đủ để sử dụng, không tìm dược đơn vị cung cấp để mua bổ sung, đặc biệt là bộ quần áo sử dụng một lần để phòng ngừa dịch bệnh”, đại diện này cho hay.
Trước khó khăn trên, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng, nghiên cứu hướng dẫn quy trình kiểm dịch tại khu vực cảng mỏ dầu khí. “Cục Hàng hải Việt Nam cũng đề xuất Bộ GTVT kiến nghị với Bộ Công thương và Bộ Y tế cung ứng đầy đủ trang thiết bị bảo hộ cá nhân phải làm việc trực tiếp trên tàu để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động, loại trừ hoàn toàn các rủi ro có thể lây nhiễm dịch Covid-19 trong hoạt động hàng hải”, đại diện Cục Hàng hải nói.
Theo thống kê, tính từ đầu năm đến đầu tháng 3/2020, có khoảng 6.790 lượt tàu thuyền vào, rời cảng biển Việt Nam đi từ hoặc qua Trung Quốc và các quốc gia khác có dịch COVID-19 đến cảng biển Việt Nam và ngược lại. Trong đó, tàu thuyền từ Việt Nam đi Trung Quốc là 536 lượt; Tàu thuyền từ Trung Quốc đến cảng biển Việt Nam là 622 lượt; Tàu thuyền đi từ các quốc gia khác có dịch đến cảng biển Việt Nam và ngược lại là 5.632 lượt./.
Nguồn: Báo Giao thông