Cảng Lạch Huyện được đánh giá có lượng hàng hấp dẫn, thu hút tàu mẹ kết nối hành trình vận tải trực tiếp đến các nước thuộc châu Mỹ. Thị trường tiềm năng Đại diện Phòng Vận tảivà Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, với vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế, cảng Lạch Huyện không chỉ đáp ứng nhu cầu tàu trọng tải lớn đi các nước nội vùng châu Á mà còn hướng tới các tàu mẹ chạy tuyến viễn dương như: Panamax (8.000 Teus), New Panamax (12.500 Teus)... trên hành trình Châu Á - Châu Mỹ sẽ ghé Việt Nam. Khi đó, hàng hóa Việt Nam sẽ không phải trung chuyển qua Hồng Kông, Cao Hùng mà sẽ được vận chuyển trực tiếp bằng tàu mẹ. "Thị trường Châu Mỹ, đặc biệt là các nước thuộc khu vực Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada, Mexico) là các nước có giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu lớn với các nhóm mặt hàng có thể vận chuyển hai chiều bằng đường hàng hải như: thủy hải sản, gỗ và sản phẩm gỗ, phương tiện vận tải và phụ tùng... Tuy vậy, hiện tất cả các tuyến vận tải đến Châu Mỹ đều chủ yếu xuất phát từ khu vực cảng Nhóm 5, lượng hàng xuất phát từ Hải Phòng sẽ được trung chuyển qua cảng Nhóm 5 hoặc Singapore. Do đó, việc hình thành tuyến khai thác trực tiếp từ Lạch Huyện đi Châu Mỹ là rất cần thiết để hàng hóa từ khu vực cảng biển Nhóm 1 có thể lược bỏ bước trung chuyển, tiết kiệm thời gian, chi phí", đại diện này nói. Hình ảnh minh họa Cảng Lạch Huyện Theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, dựa trên phân tích về kinh tế vận tải của tư vấn Nhật Bản, để hấp dẫn được tàu mẹ sức chở 8.000 Teus vào Lạch Huyện, nhu cầu vận tải container đi Mỹ phải ổn định ở mức 1.000 Teus/tuần. Khi đó, các tàu mẹ hiện đang hoạt động trên tuyến Châu Á - Châu Mỹ sẽ kéo dài hành trình Bắc Mỹ - Hồng Kông - Cao Hùng để đến Lạch Huyện. "Tại Báo cáo rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu bến cảng Lạch Huyện, dự báo đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đến năm 2025, lượng hàng xuất nhập khẩu đi Mỹ qua Lạch Huyện sẽ vào khoảng 130.000 - 140.000 Teus/năm (tương đương 2.500 - 2.700 Teus/tuần). Con số này sẽ tăng đến 240.000 - 290.000 Teus/năm (tương đương 4.700 - 5.500 Teus/tuần) vào năm 2030. Như vậy, trong tương lai gần, lượng hàng đi Mỹ từ Lạch Huyện hàng tuần đủ để hấp dẫn tàu mẹ vào cảng lấy hàng", đại diện này nhận định.
Rút ngắn thời gian vận chuyển
Thực tế, từ khi hai bến khởi động (bến số 1, số 2) của cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện) chính thức đi vào hoạt động (5/2018), đã có hai chuyến tàu mẹ kết nối một số nước thuộc Bắc Mỹ mở hành trình qua cảng Lạch Huyện. Cụ thể, cuối tháng 4/2019, tàu Northern Jaguar có sức chở hơn 8.800 Teus được đưa vào khai thác thường xuyên tại cảng HICT, phục vụ cho tuyến dịch vụ xuyên Thái Bình Dương với hải trình: HICT - Yantian - Tacoma - Vancouver - Kaohsiung - Singapore - LaemChabang - Cái Mép (TCIT). Việc vận chuyển trực tiếp giúp rút ngắn thời gian vận chuyển từ Hải Phòng đi bờ Tây Hoa Kỳ và Canada từ 25 ngày xuống 17 ngày so với phương án trung chuyển tại cảng nước ngoài như trước đây. Sau đó không lâu, tháng 5/2019, tàu Wan Hai 805 trọng tải 132.000 DWT tiếp tục cập cảng Lạch Huyện, trở thành tàu siêu trọng đầu tiên chạy thẳng từ Lạch Huyện tới khu vực bờ Tây Hoa Kỳ, rút ngắn thời gian vận chuyển từ 25 ngày xuống còn 19 ngày so với phương án trung chuyển tại cảng nước ngoài như trước đây. Được biết, thời gian tới, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện) sẽ tiếp tục đón các tuyến dịch vụ kết nối trực tiếp Hải Phòng tới bờ Tây và bờ Đông Hoa Kỳ và các tuyến đi Ấn Độ, ĐịaTrung Hải, châu Âu. Nguồn: Báo Giao thông