26/03/2013

PHAN NGUYỄN HẢI HÀ Trưởng Văn phòng IMO Việt Nam Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), với 170 quốc gia thành viên và 3 thành viên liên kết (Hongkong, Ma Cao và quần đảo Faroe-Đan Mạch), hoạt động với tôn chỉ “an toàn, an ninh, vận tải hiệu quả và đại dương trong lành”, là một tổ chức duy nhất của Liên hiệp quốc có trụ sở tại Luân Đôn. Trong cơ cấu tổ chức của IMO thì Đại hội đồng IMO là cơ quan quyền lực cao nhất của IMO, bao gồm toàn bộ các nước thành viên của Tổ chức, họp 2 năm/lần, nhưng cũng có thể có những khóa họp đặc biệt.
Dưới Đại hội đồng là các hội được Đại hội đồng bầu ra với nhiệm kỳ là 2 năm. Các thành viên hết nhiệm kỳ được bầu lại. Ngày đầu mới thành lập, Hội đồng gồm 18 thành viên rồi 24 thành viên, phát triển lên 32 thành viên và hiện nay gồm 40 thành viên, do Đại hội đồng bầu ra theo các nguyên tắc: - Nhóm A, gồm 10 thành viên, là các quốc gia đặc biệt quan tâm đến việc cung cấp dịch vụ hàng hải quốc tế; - Nhóm B, gồm 10 thành viên khác, là các quốc gia đặc biệt quan tâm đến thương mại hàng hải quốc tế; - Nhóm C, gồm 20 thành viên còn lại, không được bầu theo các tiêu chuẩn của Nhóm A và Nhóm B nhưng phải là những quốc gia có lợi ích đặc biệt trong vận tải biển và bầu cử phải bảo đảm nguyên tắc là tất cả các khu vực địa lý lớn đều có đại diện ở Hội đồng. Hội đồng là cơ quan chấp hành của IMO và chịu trách nhiệm giải quyết toàn bộ các công việc của Tổ chức (xem xét các báo cáo, các khuyến nghị của các ủy ban, xét duyệt chương trình ngân sách, chuẩn bị các báo cáo lên Đại hội đồng). Giữa 2 kỳ họp của Đại hội đồng, Hội đồng thực hiện tất cả các chức năng của Đại hội đồng, ngoại trừ chức năng đưa ra các khuyến nghị cho các Chính phủ về an toàn biển và ngăn ngừa ô nhiễm. Hội đồng cũng có trách nhiệm chỉ định Tổng thư ký cho Đại hội đồng chuẩn y. Hội đồng họp ít nhất mỗi năm một lần. Để điều hành giải quyết hàng ngày tất cả các vấn đề IMO quan tâm, có khoảng 300 nhân viên của Ban Thư ký làm việc tại trụ sở của IMO. Ban Thư ký chịu trách nhiệm toàn bộ các vấn đề về hồ sơ, tài liệu; lập và trình lên Hội đồng các khoản chi phí và ngân sách hàng năm của IMO,… Đứng đầu Ban Thư ký là Tổng thư ký do Đại hội đồng bầu ra, nhiệm kỳ 4 năm. Tổng thư ký là viên chức cao nhất của IMO có quyền bổ nhiệm các nhân viên trong Ban Thư ký với sự chấp thuận của Đại hội đồng. Hiện nay, ông Koji Sekimizu (người Nhật Bản) là Tổng thư ký thứ 9 của IMO. Để giải quyết các vấn đề kỹ thuật khác nhau, IMO có 5 ủy ban: Ủy ban An toàn hàng hải (Maritime Safety Committee - MSC), Ủy ban Bảo vệ môi trường hàng hải (Marine Environment Protection Committee - MEPC), Ủy ban Pháp lý (Legal Committee - LEG), Ủy ban Hợp tác kỹ thuật (Technical Cooperation Committee - TC) và Ủy ban Tạo thuận lợi (FAL). Ngoài ra, IMO cũng lập ra 9 tiểu ban giúp việc cho ủy ban. Các tiểu ban này chủ yếu hỗ trợ kỹ thuật cho hai ủy ban là MSC và MEPC. Việt Nam là một quốc gia ven biển, có chiều dài bờ biển 3.260km, có nhiều ngành kinh tế gắn liền với biển và hoạt động vận tải biển phát triển. Vị trí của Việt Nam rất gần với đường hàng hải quốc tế, lại ở vào một khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao và thị trường vận tải biển rất sôi động. Do vậy, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mối quan hệ thương mại với thế giới và khu vực, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Với vị trí địa lý chiến lược và xác định được kinh tế biển là động lực cho sự phát triển chủ yếu của đất nước, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành cho kinh tế biển sự quan tâm đặc biệt, nhiều quyết sách đầu tư, phát triển được phê duyệt, hệ thống cơ sở hạ tầng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế biển được đầu tư trọng điểm và có được sự tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế biển của Việt Nam còn khá hạn chế, mới chỉ khai thác được một phần tiềm năng vùng biển quốc gia mà chưa vươn ra được các vùng biển quốc tế. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là cơ cấu đầu tư chưa thực sự hợp lý, phần lớn mới chỉ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị mà chưa chú trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực một cách tương xứng. Việc thiếu quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ làm giảm hiệu quả khai thác cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện có, mà còn cản trở khả năng đạt được các mục tiêu chiến lược dài hạn nêu trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Việt Nam đã tham gia và trở thành thành viên thứ 126 của IMO từ ngày 12/6/1984. Cho đến nay, Việt Nam đã là thành viên của 19 công ước và nghị định thư quan trọng của IMO. Tuy nhiên, sự đóng góp của Việt Nam trong Tổ chức IMO, trong khu vực và trên thế giới đối với lĩnh vực hàng hải còn hạn chế, chưa thể hiện được vai trò và hình ảnh của mình cũng như chưa thể hiện được vai trò chủ đạo trong các công tác chung như phòng chống ô nhiễm môi trường biển, an toàn-an ninh hàng hải, phòng chống cướp biển tại khu vực châu Á... Trong khi đó, các quốc gia thành viên IMO khác trong khu vực Đông Nam Á và châu Á đã có những đóng góp đáng kể vào công tác chung của IMO cũng như của cộng đồng hàng hải quốc tế, có uy tín nhất định đối với các quốc gia thành viên khác, từ đó dễ dàng vận động các quốc gia này bỏ phiếu ủng hộ khi tranh cử. Việc tích cực tham gia các kỳ họp Đại hội đồng và điều ước quốc tế của IMO cũng như nghiên cứu, triển khai thực hiện các quy định của điều ước quốc tế IMO mà Việt Nam là thành viên đã từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam trong IMO. Mặc dù việc tham dự các phiên họp của các ủy ban và tiểu ủy ban vừa là nghĩa vụ trách nhiệm vừa là quyền lợi của các nước thành viên, nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có điều kiện tham gia thường xuyên, đầy đủ các phiên họp của các ủy ban chuyên môn của IMO, đặc biệt là các phiên họp liên quan đến các điều ước, vấn đề lớn, quan trọng đang được thế giới quan tâm. Mặt khác, Việt Nam cũng chưa từng có kế hoạch tham gia ứng cử vào hội đồng hoặc các ủy ban chuyên môn của IMO nhằm nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam cũng như có tiếng nói trong việc sửa đổi, bổ sung các điều ước của IMO. Đây là điểm yếu cần được khắc phục ngay trong giai đoạn trước mắt và lâu dài. Ngoài ra, trong khối ASEAN, hiện có 5 quốc gia đang là thành viên của Hội đồng IMO-Nhóm C gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Nhìn chung, 5 quốc gia này có ngành Hàng hải phát triển, có nhiều thế mạnh về hàng hải trong khối ASEAN so với các quốc gia còn lại và thường xuyên tham dự các phiên họp của Đại hội đồng, hội đồng, ủy ban và tiểu ủy ban. Tại các phiên họp này, các quốc gia này cũng rất tích cực trong việc đóng góp ý kiến xây dựng các quy định của IMO và cộng đồng hàng hải ngày càng vững mạnh. Trong khi đó, hiện nay, Việt Nam chưa có sự tham gia sâu vào các hoạt động hàng hải trong khu vực, còn nhiều yếu kém, bất cập trong hoạt động vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải. Nguồn nhân lực chủ chốt có trình độ về mọi mặt có thể tham gia tại các cuộc họp của Đại hội đồng, hội đồng, các ủy ban và tiểu ủy ban còn thiếu. Suy thoái kinh tế thế giới dẫn đến hoạt động của Vinalines và Vinashin cũng như các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển trong nước gặp rất nhiều khó khăn, nhiều tàu Việt Nam bị lưu giữ, bắt giữ tại các cảng biển nước ngoài do khó khăn về tài chính và hiện nay, đội tàu biển Việt Nam đang nằm trong danh sách đen của Tổ chức Tokyo MOU dẫn đến chúng ta cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tranh cử. Một vấn đề hết sức quan trọng khác đó là để triển khai các công việc có liên quan đến tranh cử cần phải có một nguồn kinh phí dồi dào, từ ngân sách nhà nước và huy động từ ngành Công nghiệp hàng hải. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay và các năm tiếp theo, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên việc thu xếp ngân sách, việc huy động và đóng góp về các nguồn lực từ ngành Hàng hải cho việc tranh cử gặp nhiều khó khăn. Ngoài những hạn chế mang tính chủ quan, Việt Nam gặp khó khăn khách quan khi tranh cử vào Hội đồng IMO - Nhóm C đó là việc phải cạnh tranh với các quốc gia thành viên có nhiều thế mạnh khác trong khu vực Đông Nam Á. Với số lượng hạn chế, Nhóm C chỉ gồm 20 quốc gia và là đại diện cho tất cả các khu vực địa lý trên thế giới, và việc bầu cử vào Nhóm C được tiến hành trên cơ sở tranh cử (cạnh tranh) theo nhiệm kỳ 2 năm/lần. Chính vì vậy, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực để trở thành thành viên của Hội đồng IMO-Nhóm C.

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24914630
    • Online: 140